Có thể xây lại toà nhà nhưng không thể 'xây' lại thời gian

Nếu phương án nâng cấp, mở rộng toà nhà trụ sở của HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh (trưng bày và lấy ý kiến người dân đến hết hôm nay, 1/5) được thông qua, một toà nhà được xây từ 160 năm trước của thành phố có nguy cơ bị đập bỏ.

Toà nhà trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), xây từ năm 1860, từng được sử dụng làm Nha giám đốc Nội vụ nên thường được người dân gọi là Dinh Thượng thơ. Toà nhà này cùng các toà nhà của Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường nằm ngay phía sau trụ sở của UBND Thành phố - công trình đang được xin ý kiến xây dựng. Nếu phương án xây dựng được thông qua, ít nhất 3 toà nhà của các Sở này sẽ được phá dỡ, xây mới theo hướng hiện đại hơn hiện nay, kết nối với toà nhà của HĐND, UBND thành phố.

Phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 của dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố do Công ty Tư vấn kiến trúc Gensler (Hoa Kỳ) thiết kế, có liên quan tới việc bảo tồn hoặc phá dỡ Dinh Thượng thơ. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN


Ý tưởng tháo dỡ toà nhà Dinh Thượng thơ xuất phát từ mục tiêu tăng hiệu xuất, diện tích sử dụng của các công trình trong khu vực, nhằm tạo nên một quần thể cơ quan công quyền. Bên cạnh đó là lý do toà nhà không nằm trong danh mục các công trình bảo tồn của thành phố và bản thân toà nhà cũng đã xuống cấp, có thể dỡ bỏ. Về lý và tình, xem ra đều có vẻ hợp lý.


Tuy nhiên, dường như khi tính tới phương án không bảo tồn toà nhà Dinh Thượng thơ, người ta đã quên đi những giá trị vô hình nhưng ý nghĩa của công trình kiến trúc này. Dù không nằm trong “danh mục bảo tồn”, nhưng so với thành phố trên 300 năm tuổi, thì toà nhà xây từ 160 năm trước cũng có những giá trị nhất định về mặt lịch sử. Bản thân toà nhà là nơi lưu dấu nhiều sự kiện quan trọng, là toà nhà lâu đời thứ hai của vùng đất Sài Gòn, từng trải qua nhiều biến động lịch sử, từng được gọi là Văn phòng Chính phủ (đầu thế kỷ 20), từng được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Bộ phim nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng cũng xuất hiện hình ảnh toà nhà để phản ánh bổi cảnh của một giai đoạn lịch sử.


Công trình được xây theo kiến trúc Pháp, từng được nâng cấp lần cuối cách nay 130 năm, vẫn giữ được những đường nét kiến trúc tiêu biểu. Nằm trong khu vực nhiều toà nhà trên 100 năm tuổi như Dinh Thống nhất, Nhà thờ Đức bà, Chợ Bến Thành... vốn là những công trình mang ý nghĩa biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh, toà nhà này góp phần vào kiến trúc chung của cả khu vực. Có lý luận cho rằng các công trình mới chỉ “trăm năm” thì chỉ là “nhà cũ” chứ không phải “nhà cổ”. Tuy nhiên, trong lịch sử dân tộc, thời kỳ Pháp đô hộ là giai đoạn đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam. Thời Pháp thuộc qua đi để lại nhiều công trình kiến trúc, đã trở thành những di sản văn hóa. Những khu phố Pháp chính là nơi chứa đựng dấu ấn lịch sử và lưu giữ những hồi ức không thể lãng quên trong lịch sử của thành phố. Việc duy trì sự hài hoà của cả một quần thể hiện tại chắc chắn sẽ phù hợp hơn là đặt vào giữa diện tích đó một khối nhà hiện đại, có sử dụng nhôm kính, mái thu năng lượng mặt trời... Do đó, rất đáng lưu tâm với những gợi ý về việc thay vì nâng cấp trụ sở HĐND, UBND theo chiều hướng hiện đại tại vị trí cũ, thì có thể xây mới theo phương án xây dựng đó, tại vị trí khác, vừa hài hoà quy hoạch chung của thành phố, vừa bảo tồn được khu vực có nhiều kiến trúc cổ.


Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác, việc chịu đựng sự “cũ” của các khu nhà tạm gọi là “cổ” có thể khiến ngay chính người dân sinh sống tại đó phải chấp nhận nhiều bất tiện. Nhưng khi kiên trì duy trì nét cổ kính ấy, giá trị của chính toà nhà và khu phố lại được tăng lên, và hoàn toàn có thể khai thác ở khía cạnh du lịch cho cả thành phố.  Bảo tồn những công trình kiến trúc cổ là duy trì giá trị lịch sử, văn hóa – nền móng cho sự phát triển. Điều này vẫn đang gặp nhiều khó khăn ở ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, khi có công trình cần bảo tồn thuộc tư gia, gia chủ muốn phá đi xây mới. Vì vậy, với công trình “công” này, trong khi đa số người dân luyến tiếc, thì việc chính quyền gương mẫu trong việc bảo tồn sẽ có giá trị rất lớn trong việc nâng cao ý thức người dân.


Một vài năm trước, tại thành phố Hồ Chí Minh, việc phá bỏ hay giữ nguyên Thương xá TAX, Giáo xứ Thủ Thiêm, Xưởng đóng tàu Ba Son… cũng từng gây nên nhiều luồng tranh luận về việc “bảo tồn” hay “phát triển”. Và chỉ khi các công trình cần được bảo tồn phải nhường chỗ cho “phát triển”, khi những toà nhà lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và văn hoá đã bị san phẳng để xây cao ốc, trung tâm thương mại, thì người ta mới thấy luyến tiếc những điều không thể nào lấy lại được.


Phát triển là xu thế tất yếu. Nhưng để một thành phố, một quốc gia, một dân tộc thực sự phát triển bền vững và lâu dài, cần lưu ý tới giữ gìn giá trị lịch sử, văn hoá. Từ giá trị lịch sử, văn hoá, sẽ tạo dựng được giá trị về thương mại, kinh tế và giữ gìn, nâng cao vị thế của thành phố, nhất là trong thời buổi hội nhập hiện nay.


Phá dỡ một toà nhà không mất nhiều thời gian. Xây lại một toà nhà cũng không mất quá nhiều thời gian. Nhưng để “xây” lại dấu ấn thời gian hơn một thế kỷ trên một công trình, thì là điều không thể làm lại được, một khi đã phá huỷ nó.


Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Trưng bày 'Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội' tại Phố sách
Trưng bày 'Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội' tại Phố sách

Ngày 26/10, tại Phố sách 19/12 (Hà Nội), Cục Văn thư và Lưu trữ, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, Đại sứ quán Pháp đã tổ chức khai mạc trưng bày "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN