Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài cuối

Ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61 (thực hiện Nghị định 61/NĐ-CP về mua bán và kinh doanh nhà ở), Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, giám sát thường xuyên để phát hiện nhà xuống cấp, đề xuất phương án khắc phục là trách nhiệm của các chủ sở hữu biệt thự cổ.

NGƯỜI SỞ HỮU CÓ TRÁCH NHIỆM CHỦ YẾU

Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống lâu năm trong các biệt thự cổ tại Hà Nội thì không có một cơ quan nào đến kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của căn nhà. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Nhà nước đã có quy định về bảo trì công trình nên với những công trình chưa có nguy cơ sập đổ thì chưa thực hiện việc kiểm định mà thực hiện sửa chữa nhỏ như thay cửa sổ, cửa đi, quét vôi... để duy trì hoạt động bình thường của công trình. Còn trường hợp đặc biệt như có lún nứt, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, có nguy cơ sụp đổ... thì sẽ tiến hành kiểm định để đề ra giải pháp khắc phục.

Một góc nhà biệt thự hai mặt tiền (số 40 Bà Triệu và 42A Lý Thường Kiệt) biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng do các hộ cơi nới, can thiệp vào kết cấu ngôi nhà.

Hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện quản lý được hết các trường hợp người dân, cơ quan sử dụng biệt thự tự ý sửa chữa, cơi nới mà không xin phép các cấp chính quyền. Đó là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố.


Làm sao để phân định trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố, thưa ông?

Việc quản lý biệt thự cổ của chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc quản lý quỹ nhà biệt thự được quan tâm từ lâu nhưng chính thức thiết lập từ năm 2009. Trước đó, năm 2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết 48 đề nghị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án quản lý quỹ nhà biệt thự. Tháng 12/2008, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án quản lý quỹ nhà biệt thự tại Hà Nội, giao các sở ngành xây dựng quy chế và danh mục quản lý. Từ đó, công tác quản lý biệt thự đã đi vào nề nếp.

Mong muốn quản lý những công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử đã được Nhà nước quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, nguồn lực bảo tồn quỹ nhà này còn khó khăn. Với những công trình trước năm 1954 thì đa phần đều xuống cấp theo thời gian. Để quản lý thì không có cách nào khác là chủ sở hữu, sử dụng nhà phải bảo trì thường xuyên để duy trì hoạt động bình thường của công trình. Trường hợp đặc biệt, nếu có nguy cơ thì phải kiểm định để khắc phục sự cố đó.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: “Cần thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra lại quỹ biệt thự cổ Hà Nội để lên phương án quản lý, cải tạo và phát huy giá trị di sản của các biệt thự Pháp cổ”.

Trách nhiệm của người sinh sống hằng ngày hằng giờ tại biệt thự cổ là rất quan trọng, phải nắm được nhà xuống cấp ra sao. Với các công trình do tư nhân sở hữu mà xuống cấp thì phải báo với cơ quan chức năng để phân định mức độ nguy hiểm. Khi báo cáo phải kèm theo kết quả kiểm định của cơ quan có tư cách pháp nhân chứng minh đó là nhà nguy hiểm thì UBND thành phố sẽ tạo điều kiện cho họ sửa chữa. Năm 2013 TP đã có danh mục phân loại các biệt thự nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 và có quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn (quy chế 52).

Nếu biệt thự nhóm 1 mà xuống cấp cần phá bỏ thì sẽ bảo tồn nguyên trạng. Nếu biệt thự nhóm 2 xuống cấp thì cũng sẽ phá đi xây lại theo kiến trúc cũ nhưng công năng bên trong tòa nhà có thể thay đổi. Công trình nhóm 3 sau khi phá đi thì được xây dựng theo quy hoạch nhưng không được xây nhà cao tầng để phù hợp với cảnh quan khu vực.

Như trường hợp nhà 107 Trần Hưng Đạo, nếu chủ sở hữu tòa nhà có báo cáo về mức độ xuống cấp kèm kết quả kiểm định về mức độ nguy hiểm của tòa nhà thì TP sẽ phối hợp khắc phục sự cố đó ngay. Nhưng chủ sở hữu chỉ gửi văn bản báo cáo mà không có yếu tố chứng minh nhà ở mức nguy hiểm. 

Công tác rà soát biệt thự xuống cấp trên địa bàn diễn ra như thế nào sau khi xảy ra sự cố sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, thưa ông?

Bộ Xây dựng và TP Hà Nội sẽ có yêu cầu rà soát nhưng trước tiên chủ sở hữu phải có kê khai trước vì quyền lợi của chính họ, báo cáo lên cơ quan chức năng tổng hợp, xem xét. Với những trường hợp đặc biệt thì nhà nước sẽ hỗ trợ kiểm định công trình đó, hỗ trợ khắc phục nguy hiểm có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dương (thực hiện)
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài 2
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài 2

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2011, Sở Quy hoạch và kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (Đại học Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN