Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài 1

Sau vụ sập nhà cổ số 107, phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), trong nhiều tuần liền khảo sát, phóng viên báo Tin Tức nhận thấy một thực tế, chỉ có những ngôi biệt thự cổ mà Nhà nước đã bán cho người dân sử dụng, hoặc những ngôi biệt thự cổ có nhiều hộ dân đang sử dụng mới xuống cấp, xập xệ, nguy hiểm... còn đa phần những biệt thự Pháp cổ, nguyên bản, không bị cơi nới, cắt xén kết cấu, thì chất lượng vẫn hoàn toàn yên tâm.


“Của bền tại người”

Tòa nhà biệt thự 2 tầng, số 19B phố Nguyễn Biểu, phường Quan Thánh, quận Ba Đình, được xây dựng năm 1923 với mái ngói, tường gạch, trần vữa cốt tre. Gia đình anh Nguyễn Vinh Hiển, ở tầng 2, là một trong hai chủ sử dụng tòa nhà (chủ thứ hai ở tầng 1).

Một căn nhà cổ trên phố Ấu Triệu đã bị sửa chữa, thay đổi cửa chính, cửa sổ sai lệch so với kiến trúc Pháp ban đầu.

Anh Hiển cho biết, theo tiêu chuẩn cán bộ cấp cao, hai gia đình được nhà nước giao quyền sử dụng ngôi nhà 19B phố Nguyễn Biểu, từ năm 1980. Từ khi được sử dụng đến nay, cả hai gia đình vẫn tôn trọng nguyên vẹn thiết kế của tòa nhà, cũng như quy hoạch không gian của cả khu biệt thự, không cơi nới, cắt xén kết cấu của tòa nhà. Nhờ ý thức giữ gìn và bảo quản của gia chủ, hơn 35 năm qua, gia đình anh Hiển (ở tầng 2) chỉ mất vài lần sửa chữa nhỏ trên mái của tòa biệt thự, mỗi khi lá cây tích tụ hoặc cành cây rụng xuống gây vỡ ngói. Còn toàn bộ ngôi nhà từ tường gạch, cửa sổ, cửa đi, cầu thang, hệ thống thoát nước đều sử dụng và hoạt động tốt.

Thực tế tại tòa biệt thự 19B Nguyễn Biểu cho thấy, mặc dù được xây dựng cách đây gần 100 năm, nhưng tòa nhà vẫn đảm bảo an toàn cho việc sử dụng không chỉ hiện tại mà cho hàng chục năm nữa. Bởi trần, tường, mái nhà, những bộ cửa sổ, cửa đi của ngôi nhà vẫn chắc chắn và chất lượng còn nguyên vẹn.

Biệt thự số 101 phố Trần Hưng Đạo, ngôi nhà do Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sử dụng (biệt thự có tuổi đời cùng với ngôi nhà cùng phố - số 107 vừa bị sập). Theo ông Lưu Văn Định, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Viện được Nhà nước giao sử dụng từ năm 12/1961, tiếp quản tòa nhà từ Ủy ban quân quản thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, ngôi nhà chỉ duy nhất có một lần sửa chữa là đảo lại ngói và làm lại trần, thời điểm sửa chữa cũng cách đây hơn 20 năm. Theo ông Định, từ khi được giao sử dụng, đơn vị tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc sử dụng ngôi nhà, đó là không cơi nới thêm các phòng làm việc, không can thiệp vào kết cấu ngôi nhà. Điều này đã đảm bảo cho ngôi nhà không những giữ nguyên được nét cổ kính, mà còn duy trì được khả năng chống chịu tốt trước các mùa mưa bão. Đánh giá về chất lượng ngôi nhà, ông Định khẳng định: Với hiện trạng ngôi nhà, mùa mưa không bị ẩm, mùa nồm không bị gũng nước, kết cấu mái vẫn vững chắc, ngôi nhà còn có giá trị sử dụng hàng chục năm nữa.

Có thể thấy, với hàng trăm tòa biệt thự cổ ở Hà Nội, những ngôi nhà được chủ sử dụng có ý thức giữ gìn, bảo quản, sửa chữa kịp thời, không can thiệp vào kết cấu ngôi nhà như cơi nới, phá dỡ hiện trạng… thì tuổi đời và chất lượng sử dụng vẫn còn tốt. Ngược lại, những tòa có nhiều hộ sử dụng chung, tùy tiện cơi nới, phá dỡ kết cấu ngôi nhà, không có ý thức giữ gìn và tu sửa thì đã và đang trở nên nguy hiểm thật sự với các cư dân cư trú trong tòa nhà.

Biệt thự cổ - phận “cha chung...”

Đã cả chục năm nay, bà Nguyễn Thị Bảo Thục, chủ ngôi biệt thự rộng hơn 1.000 m2, hai mặt tiền (số 40 phố Bà Triệu và số 42A Lý Thường Kiệt), luôn sống trong tâm trạng bức xúc. Hàng ngày, nhìn ngôi nhà mình đã lớn lên từ thủa thơ ấu, có từ đời ông, xuống cấp mà không thể sửa sang, nâng cấp, khiến bà thấp thỏm không yên.

Theo bà Thục, ngôi biệt thự số 40 phố Bà Triệu có tuổi đời bằng với Nhà hát Lớn Hà Nội. Bà Thục kể, ông nội của bà là nhà tư sản, đã mua lại ngôi biệt thự này của một quan chức người Pháp. Sau năm 1954, gia đình bà đã cho nhiều người ở nhờ và đến nay, họ vẫn ở nhờ như vậy. Hiện tại, trong ngôi biệt thự có khoảng hơn chục gia đình cư trú. Nhiều gia đình có cả ba thế hệ sinh sôi, nảy nở trong căn phòng chỉ rộng chục m2. Để có chỗ ở, họ đã đục phá, cơi nới thêm các “chuồng cọp”, và điều này khiến ngôi biệt thự càng nhanh biến dạng, xuống cấp. Theo bà Thục, tường và kết cấu của ngôi nhà đã yếu đến mức chỉ một mũi khoan tường ở căn phòng nào đó là toàn bộ ngôi biệt thự rung lên, bụi rụng đầy các phòng. Đặc biệt khi trời mưa, thì những hộ dân sống trong ngôi biệt thự này chẳng dám ra ngoài, bởi chỉ sợ gạch vữa hay cửa sổ từ trên cao có thể bất thần giáng xuống.

“Ngôi nhà đã nát lắm rồi, nát từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên. Cứ ô tô chạy qua là nhà rung, bụi rơi. Nhà nát như vậy nhưng 25 năm qua, chưa một ai đến kiểm tra về độ an toàn của căn nhà này. Tôi sợ lắm, bởi nghĩ căn nhà cũng không thể chịu được mãi, nếu không được sửa chữa, rồi có ngày nó cũng phải sập như ngôi nhà số 107 ở Trần Hưng Đạo!”, bà Thục nói.

Tại phố Phan Bội Châu, các hộ dân sống xung quanh nhà biệt thự số 42B, nơi tầng một là một trường mầm non, đang lo lắng cho sinh mạng của hàng chục cháu bé theo học tại đây. Bởi trên tầng 2, một hộ dân đã cơi nới, đua “chuồng cọp” ra chiếm không gian. Sức nặng của lồng sắt khiến bức tường vữa không chịu nổi, nên không chỉ vữa khu vực cơi nới bong tróc, mà tấm bê tông làm hiên, nơi mà lồng sắt cơi nới gác lên đã làm rụng cả cốt sắt. Cô Ngô Tuyết Minh đưa chúng tôi vào trong các phòng học, chỉ tay lên trần và tường cho hay, năm nào trường cũng quét lại sơn nhưng chỉ được vài tháng, do tường ẩm nên sơn lại bị bong tróc. Bà Đặng Thị Quy cũng như nhiều hộ dân xung quanh nhà 42B cho rằng, nếu tiếp tục có những trận mưa như vừa qua thì nhà 42B chắc chẳng chịu nổi.

Đối diện nhà 42B là tòa nhà biệt thự cổ số 47 Phan Bội Châu, nơi trú ngụ của gần 20 hộ dân. Tòa nhà cũng được xây dựng từ thời Pháp. Anh Nguyễn Văn Tuấn, kỹ sư xây dựng và là chủ hộ sống tại tầng một của tòa nhà cho biết, tòa nhà cũ nát đã đành, nhưng các hộ trên tầng 2 còn tự ý cắt xà gồ đỡ mái của ngôi nhà để họ làm thêm tầng gác lửng.

Anh Tuấn cho rằng, nhà cổ lâu năm xuống cấp là một chuyện, nhưng nếu xảy ra tai nạn đến mức sập cả tường, cả nhà của nhà cổ thì nguyên nhân chính là do chủ sử dụng trong các tòa nhà cổ đã tự cơi nới, phá dỡ kết cấu mái, tường, các thanh chịu lực của tòa nhà để xây thêm phòng ở, công trình phụ… khi mái không chịu nổi, xảy ra sập mới kéo theo cả tường có các công trình cơi nới sập theo. “Là dân xây dựng, tôi hiểu việc này nên rất lo lắng về sự an toàn của căn biệt thự chúng tôi đang ở. Khi các hộ trên tầng 2 của tòa nhà đua nhau cắt xà gồ đục mái để họ làm thêm gác xép, chúng tôi đã có ý kiến với phường nhưng không được giải quyết!”, anh Tuấn nói.


Bài và ảnh: Xuân Hương
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài 2
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài 2

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2011, Sở Quy hoạch và kiến trúc đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (Đại học Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN