Chuyện hè

1. Năm nào cũng vậy, đối với người dân thành phố, cứ đến mùa hè là lại kéo theo nhiều nỗi lo: Lo cúp điện, lo mất nước, lo mưa bão, lo ngập đường… Và, có một nỗi lo đeo bám dai dẳng nữa là lo… chuyện nghỉ hè cho con trẻ. Chuyện nghỉ hè của học sinh là việc đương nhiên, nhưng nhiều khi lại làm đảo lộn cuộc sống của không ít gia đình; và ở chừng mực nào đó ảnh hưởng đến cả xã hội.

2. Nghỉ hè! Đó là niềm vui sướng của tuổi học trò, nhưng lại là nỗi lo của người lớn. Nghỉ hè, trẻ không phải đến trường; nhưng trong cái không gian chật chội đến bức bối của thành phố với nhiều tệ nạn và tai họa rình rập thì nhiều gia đình, nhất là những gia đình công nhân viên chức rất lúng túng trong việc quản lý con em mình. Không ai có thể an tâm thả lỏng con trẻ trong những tháng hè. Vậy là, người thì cho trẻ về quê, người thì gửi ông bà (nếu ông bà đã nghỉ hưu); người thì… đưa trẻ đến cơ quan – vậy là có cơ quan tự dưng biến thành… nhà trẻ.

3. Và nhiều người tìm giải pháp cho trẻ đi học hè coi như một lối thoát nhất cử lưỡng tiện: Vừa cho trẻ nâng cao kiến thức, vừa có người quản lý. Không ít ý kiến lên án việc cho trẻ học hè nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh, việc cho con đi học hè thực chất chỉ là việc gửi con nhờ cô giáo quản lý hộ cho an tâm. Vì vậy, các lớp học hè phát triển rất mạnh, từ học văn hóa đến các lớp năng khiếu: Nhạc, họa, múa, luyện chữ đẹp; rồi cả vi tính, học võ, học bơi… Nhiều trường còn tổ chức… câu lạc bộ để các em đến sinh hoạt nhưng thực chất cũng chỉ là để… quản lý.

4. Trong tình trạng trẻ em thiếu chỗ vui chơi, hoạt động ngay cả trong ngày thường và nhất là trong dịp hè, thiếu nội dung và hình thức sinh hoạt; và những tháng hè vẫn còn là khoảng trống trong chiến lược của ngành giáo dục và các tổ chức khác thì kỳ nghỉ hè sẽ ngày càng là nỗi lo của các gia đình, nhất là ở thành phố. Vì vậy, việc nghỉ hè của học sinh không còn là chuyện riêng của từng gia đình nữa mà ở một góc độ và chừng mực nào đó đã trở thành vấn đề xã hội.

5. Tuy nhiên, muốn giải quyết được câu chuyện này thì cần có một cái nhìn nghiêm túc, thấu đáo, sự vào cuộc đồng bộ từ việc quy hoạch chỗ vui chơi, hoạt động phát triển thể chất cho các em đến việc có thể phải chỉnh lý chương trình giáo dục với những hình thức khoa học, thích hợp, bài bản chứ không phải cứ… “đến hè lại kêu” như hiện nay. Điều đó sẽ vừa bảo vệ quyền được vui chơi cho các em, đồng thời bảo đảm sự hài hòa trong cuộc sống của người dân và xã hội.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN