“Cháy” vắcxin tiêm chủng - Câu hỏi về trách nhiệm?

Trong nhiều tháng qua, nhiều loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ luôn trong tình trạng khan hiếm, nhất là ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số đơn vị cung ứng phải “chữa cháy” bằng cách gom hàng từ nhiều nước đưa về, tuy nhiên, lượng vắc-xin này như muối bỏ bể, chỉ sử dụng vài ngày là hết.

Thực tế, dù đã có chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhưng vì quá lo lắng trước tình hình dịch bệnh mỗi ngày một phức tạp, nên nhiều phụ huynh chấp nhận tốn kém để cho con tiêm vắcxin dịch vụ. Bên cạnh đó, tiêm vắcxin dịch vụ có tiện lợi là người dân có thể đưa con đi tiêm bất cứ lúc nào, lại không phải chờ đợi. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, không ít phụ huynh đã đứng ngồi không yên do phần lớn các điểm tiêm chủng dịch vụ đều lắc đầu hoặc treo biển "hết vắcxin". Đáng ngại là những trường hợp phụ huynh đã trót cho con theo đuổi chương trình tiêm chủng dịch vụ, lại chưa hoàn tất số lần tiêm với những loại vắcxin cần tiêm nhiều mũi.


Đề cập đến thực trạng khan hiếm vắcxin, các phát ngôn gần đây của Bộ Y tế đều nhấn mạnh, việc thiếu vắcxin chỉ là cục bộ. Bộ Y tế sẽ có biện pháp bảo đảm nguồn vắcxin cho trẻ. Nhưng thực tế, việc “bảo đảm” của Bộ Y tế chỉ khuôn trong nguồn vắcxin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, còn vắcxin dịch vụ vẫn hết sức khan hiếm.

Cũng có ý kiến đổ lỗi cho người dân gây ra thực trạng trên do họ đổ xô đưa con đi tiêm vào cùng một thời điểm? Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận. Bởi lỗi chính là do ngành y tế chưa tính toán kỹ trong việc dự trù vắcxin và dự báo chưa sát về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, sau hàng loạt vụ tai biến xảy ra trong thời gian gần đây, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi không thật sự tin tưởng vào tiêm chủng vắcxin cho trẻ. Khi được tuyên truyền, vận động, họ yên tâm đưa con đi tiêm chủng trở lại, thì lại xảy ra tình trạng thiếu vắcxin kéo dài và trên diện rộng.


Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào nhu cầu người dân, vào đơn vị nhập khẩu, thì chắc chắn tình trạng khan hiếm hoặc vắcxin thừa, vắcxin thiếu sẽ còn kéo dài. Có thể hiểu được, các nhà cung ứng và nhập khẩu vắcxin phải rất cân nhắc, bởi nếu nhập nhiều mà nhu cầu sử dụng ít, thì họ chắc chắn sẽ bị thiệt hại. Không những thế, việc lựa chọn tiêm chủng dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu của người dân, nên các nhà nhập khẩu rất khó để chủ động về số lượng.


Hiện nay, không ít bậc phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc tiêm chủng cho trẻ qua kênh Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Họ thờ ơ với vắc-xin được tiêm miễn phí, mà chạy đua đưa con đi tiêm chủng dịch vụ. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở y tế ở xã, phường đến từng nhà mời các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm phòng theo lịch, nhưng số trẻ đi tiêm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, tại các trung tâm tiêm phòng dịch vụ lại luôn trong tình trạng quá tải.


Những bấp cập vừa nêu đã đặt ra vai trò điều tiết của ngành y tế. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, trước hết ngành chủ quản phải chủ động được “nguồn hàng” trên cơ sở những dự báo về dịch bệnh để tư vấn cho người dân tiêm chủng. Có giải quyết được vấn đề này, thì mới hy vọng giải quyết được tình trạng khan hiếm vắcxin mỗi khi nhu cầu tăng đột biến.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN