Ngày 2/10 mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết về miễn học phí năm học 2023-2024. Theo đó, học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được miễn học phí cả năm. Các khu vực còn lại, học sinh được miễn học phí kỳ I.
Quyết định này được đưa ra khi năm học mới đã bắt đầu được khoảng một tháng, nhưng với một tỉnh không thuộc top “giàu nhất” trong cả nước như Quảng Bình thì quyết định này rất đáng trân trọng và đó thực sự là tin vui với không ít bậc phụ huynh, nhất là khi nỗi lo các khoản thu đầu năm học đang đè nặng.
Trước đó, tại một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam, cũng đã quyết định miễn, giảm học phí cho học sinh. Tại Hải Phòng, dựa theo quy định về mức thu học phí trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố: khu vực thành thị thu 300.000 đồng/học sinh; khu vực nông thôn 100.000 đồng/học sinh cho các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; bậc học phổ thông thu 200.000 đồng/học sinh mỗi tháng; thì thành phố Hải Phòng dự kiến chi hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh.
Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng thông qua Nghị quyết dành hơn hơn 408 tỷ đồng để miễn học phí đối với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng dự chi khoảng 327 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh các cấp học. Tỉnh Hà Nam quyết định hỗ trợ một phần học phí với mức hỗ trợ bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Thực tế, việc miễn giảm học phí cho học sinh không phải năm nay mới thực hiện mà đã được một số địa phương tiến hành từ vài năm trước. Trong đó, đây là năm thứ hai liên tiếp Quảng Bình miễn học phí cho học sinh; với Đà Nẵng và Hải Phòng là năm thứ ba thực hiện chính sách và chủ trương nhân văn này.
Việc miễn giảm học phí cũng đã được quy định rất cụ thể, chi tiết tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học trường công lập. Học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn được miễn học phí từ năm học 2022 – 2023. Học sinh trung học cơ sở không thuộc vùng đặc biệt khó khăn được miễn học phí từ năm học 2025 – 2026. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù tiền miễn, giảm học phí đối với người học tại cơ sở giáo dục công lập.
Như thế, việc một số tỉnh, thành phố miễn, giảm học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông trung học trong vài năm học trở lại đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 không chỉ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà còn là nguồn động viên, mang thêm nhiều cơ hội đến trường cho trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Việc làm này cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao; sự chia sẻ, đồng hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương với người dân. Quyết định vì thế rất hợp với lòng dân, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Chính sách miễn, giảm học phí cũng thể hiện rõ chủ trương nhân văn, mang tính chiến lược của việc đầu tư cho giáo dục; là hoạt động thiết thực trong quyết tâm thực hiện “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, luôn được các ngành, các cấp đặt lên trên hết, trước hết. Từ đó, hướng tới mục tiêu “tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục”, để “không ai bị bỏ lại phía sau” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tuy nhiên hiện nay, việc miễn, giảm học phí được triển khai hoàn toàn do các địa phương tự cân đối, trên cơ sở bảo đảm được nguồn kinh phí, từ đó đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trong phạm vi quyền hạn được giao từ nguồn ngân sách địa phương. Vì thế, việc nhân rộng chủ trương nhân văn này trên cơ sở thực tế về tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương rất cần được khuyến khích thực hiện, trên tinh thần cân đối thu - chi “liệu cơm gắp mắm”; để từ đó có thể đáp ứng được nguyện vọng của người dân, cũng là nhằm khuyến khích xã hội học tập.
Để chủ trương này phát huy hết tính ưu việt, thì việc chống lạm thu trong trường học cũng cần được thực hiện triệt để, tránh việc học sinh được miễn học phí nhưng phụ huynh vẫn phải đóng nhiều khoản thu khác. Các trường học không được phép thu những khoản trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
Đặc biệt, Ban đại diện Hội phụ huynh không là “cánh tay nối dài” của nhà trường để vận động thu các khoản ngoài quy định. Nhà trường cũng cần minh bạch, công khai các khoản thu trên cổng thông tin hoặc bằng văn bản để phụ huynh có thể giám sát.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đảm bảo việc đầu tư cho trường lớp luôn được quan tâm, không làm ảnh hưởng tới việc tái đầu tư cho ngành giáo dục khi thực hiện miễn, giảm học phí.