“Bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm

Dù được đánh giá đã có sự cải thiện, nhưng theo bảng chỉ số Môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, thì thời gian làm thủ tục thuế ở Việt Nam vẫn lên tới 770 giờ.

Không chỉ ở lĩnh vực thuế, hành trình cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn là một thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thủ tục hành chính kéo dài, chưa chắc đã phải để "hành", để "vòi" doanh nghiệp, mà có thể là vì thói quen, vì sợ và né tránh trách nhiệm của những người thực thi công vụ.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, quy trình, thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp nhiều nhất thuộc các lĩnh vực liên quan đến đầu tư xây dựng, quy hoạch kiến trúc; cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; điều chỉnh dự án đầu tư; thanh toán, nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản... Còn theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, doanh nghiệp kêu về sự rườm rà, gây khó khăn bởi những thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép đầu tư... Kết quả khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp cho thấy, có 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là "tương đối khó thực hiện".

Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% doanh nghiệp cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan... Vẫn tồn tại nhiều bất cập trong các văn bản pháp luật cũng như khâu triển khai chưa đồng bộ thủ tục hoàn thuế, chế độ hạch toán, thiếu đồng bộ thông tin lệ phí tờ khai, thông quan tự động chưa thật sự phát huy hiệu quả tích cực... Rất nhiều khâu đoạn, yêu cầu đã được loại bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế, hải quan vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định...

Nhận thức cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế. Thế nhưng, dẫn chứng nêu trên đã cho thấy nền hành chính nước ta vẫn chưa thực sự chuyển từ nền hành chính bao cấp sang nền hành chính phục vụ. Sự nhiêu khê, máy móc khiến doanh nghiệp phải mất thêm nhiều thời gian đi lại, giải quyết với đủ loại chi phí. Đơn cử, một mặt hàng có tới 3 - 4 bộ quản lý, mỗi bộ một yêu cầu, một mẫu kiểm tra khác nhau nhưng giữa các bộ, ngành lại không liên thông khiến doanh nghiệp quay như chong chóng; rồi hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm tới gần 70% hàng hóa xuất nhập khẩu khiến thủ tục đội lên... Những bất cập nêu trên đã cho thấy, công cuộc cải cách hành chính là hết sức khó khăn, phức tạp vì nó không chỉ đơn giản là gạch bỏ bao nhiêu dòng, bao nhiêu đoạn... trong quy trình hiện tại mà còn là sự "thay máu" về tư duy của cán bộ, công nhân viên của các ngành này.

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi bộ máy hành chính được cải tổ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao; sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước được khắc phục; mạnh dạn loại bỏ những cán bộ, công chức thờ ơ, thiếu trách nhiệm ra khỏi bộ máy; đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chậm chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính.
Yến Nhi
Phải chuẩn hóa thủ tục hành chính
Phải chuẩn hóa thủ tục hành chính

Thời điểm các địa phương phải công bố thủ tục hành chính và chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đã cận kề (30/11) nhưng cho đến nay, theo thống kê của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, mới có 17/24 bộ, cơ quan ban hành danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN