Bệnh hình thức

Thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đến thời điểm này, cả nước có gần 19 triệu gia đình (trong tổng số hơn 22 triệu gia đình) đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%.

Trong một vài năm trở lại đây, tỷ lệ gia đình văn hóa thường năm sau cao hơn năm trước. Song theo đánh giá của dư luận, thì đó chỉ là danh hiệu trên giấy, một thứ bệnh hình thức, bởi thực tế, đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội còn nhiều chuyện nhức nhối...

Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là răn dạy đừng quá coi nặng hình thức, mà phải biết coi trọng bản chất của vấn đề. Thực tế, bệnh hình thức đang trở thành mối lo, thậm chí là nguy cơ, bởi nó đã lan rộng và ăn sâu vào nhiều lĩnh vực, làm cản trở sự phát triển của xã hội. Không thể phủ nhận hình thức, nhưng hình thức phải phù hợp với nội dung, với thực chất. Điều quan trọng, là mỗi người cần chủ động thay đổi nhận thức, hướng về cái thực tế để đào tận gốc căn bệnh hình thức, giúp cho xã hội ngày càng phát triển văn minh. Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cũng vậy. Nếu danh hiệu “gia đình văn hóa” được đặt không đúng chỗ, nặng tính cào bằng, thì không còn giá trị đích thực của một phong trào. Chính áp lực của bệnh hình thức, là nguyên dân dẫn đến những báo cáo láo, thành tích giả và làm vô hiệu hóa các tiêu chí gia đình văn hóa.

Tại hội nghị tổng kết về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2015 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề: Tỷ lệ gia đình văn hóa, cơ quan đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa tăng cao, nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề khiến cả xã hội trăn trở. Tình trạng sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại đến mức bất chấp đạo lý, mà sự việc lại xảy ra ở chính đơn vị, địa phương được công nhận văn hóa. Theo Phó Thủ tướng, để phong trào xây dựng đời sống văn hóa trở thành thực chất, phát huy được giá trị, thì chưa nên bàn những chuyện cao siêu, hình thức, mà cần xác định từng việc cụ thể để triển khai, tạo sự chuyển biến thực sự trong đời sống xã hội.

Có ý kiến nhận định rằng, ý tưởng xây dựng gia đình văn hóa là chủ trương đúng, có tính cốt lõi, nhưng khi thực hiện lại biến thành một phong trào mang tính hình thức, làm theo chỉ tiêu và các tiêu chí cứng nhắc, nên không giữ được ý tưởng ban đầu. Trong lĩnh vực văn hóa, không phải cái gì cũng có thể biến thành những con số cứng nhắc. Lấy gì để định lượng, để biết được gia đình nào không có bạo lực, không có tệ nạn ở bên trong để mà đánh giá? Mặt khác, tiêu chí để đánh giá gia đình đạt chuẩn văn hóa còn quá chung chung, thiếu cụ thể, khi soi vào các tiêu chuẩn, thì gia đình nào cũng có thể đáp ứng để được công nhận. 

Có địa phương, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa xấp xỉ 100%, nhưng ở địa phương đó, vẫn xảy ra bạo lực, cờ bạc, số đề. Trong số gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa, có gia đình nếp sống và cách cư xử với hàng xóm làng giềng, với cộng đồng chưa thật sự tốt. Rồi có cả những gia đình vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường, nuôi trồng cây con không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hoặc có trường hợp con cái quấy phá hàng xóm, ăn cắp vặt, mắc các tệ nạn xã hội…, vẫn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Nếu danh hiệu “gia đình văn hóa” để chỉ những gia đình thật sự là tấm gương cho các gia đình khác noi theo, thì không thể 100% số hộ gia đình đều đạt danh hiệu này. Vì rằng, gia đình nào cũng là gia đình văn hóa cả, thì việc xét danh hiệu văn hóa sẽ không còn ý nghĩa. Mà theo ý kiến của nhiều người, chỉ cần tỷ lệ trên dưới 10% đạt chuẩn là đủ. Có như vậy, những gia đình đạt chuẩn văn hóa mới thực sự là tấm gương.

Yến Nhi
“Bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm
“Bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm

Dù được đánh giá đã có sự cải thiện, nhưng theo bảng chỉ số Môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, thì thời gian làm thủ tục thuế ở Việt Nam vẫn lên tới 770 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN