“Sĩ quan thi đua”

Lâu nay có một thực tế, ở các cơ quan nhà nước, trong số những người được khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” thì cán bộ (ít nhất là từ cấp phòng trở lên) chiếm tỷ lệ rất lớn; thấp cũng bảy, tám mươi phần trăm, cao thì lên tới chín mươi phần trăm hoặc hơn...

1. Trong Hội nghị thi đua của một ngành, sau khi lên trao Bằng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành, ông Bộ trưởng biểu dương các gương điển hình tiên tiến rồi bày tỏ: Tuy nhiên, trong danh sách “Chiến sĩ thi đua” hầu hết lại là cán bộ. Như vậy là “Quan thi đua” rồi chứ đâu còn là “Chiến sĩ”. Mong đại hội sau sẽ có nhiều “Chiến sĩ thi đua” thực sự là “chiến sĩ” hơn nữa.


2. Lâu nay có một thực tế, ở các cơ quan nhà nước, trong số những người được khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” thì cán bộ (ít nhất là từ cấp phòng trở lên) chiếm tỷ lệ rất lớn; thấp cũng bảy, tám mươi phần trăm, cao thì lên tới chín mươi phần trăm hoặc hơn... Còn những người được coi là “chiến sĩ” như công - nhân viên... thì chỉ lác đác “như sao buổi sớm”. Vì vậy có người gọi vui đó là “Quan thi đua” chứ không phải là “Chiến sĩ thi đua” nữa.


Có người cho đó là “nghịch lý” trong công tác thi đua bởi nó không động viên, khuyến khích được đại đa số người lao động là đối tượng chính của phong trào thi đua.


3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” đều được bầu công khai, dân chủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Thế thì tại sao lại có tình trạng “cán bộ” áp đảo “chiến sĩ” như vậy?


Thứ nhất: Nhìn chung về phẩm chất và năng lực, phần lớn cán bộ đều thường (và phải) cao hơn nhân viên (nếu không hơn nhân viên làm sao được đề bạt cán bộ). Vì vậy, kết quả công việc và thành tích thường cũng cao hơn nhân viên (nếu không làm hơn nhân viên sao còn xứng đáng là cán bộ). Do đó số phiếu bầu cho cán bộ cao cũng là điều bình thường.


Thứ hai: Một đơn vị có hàng chục, hàng trăm nhân viên mới có vài ba cán bộ. Trong khi đó số lượng “Chiến sĩ thi đua” lại khống chế theo tỷ lệ. Vì vậy bầu hết cho cán bộ rồi thì còn đâu suất cho nhân viên. Mặt khác, nhiều người trong đơn vị cũng hay có tâm lý “bầu sếp cho nó lành”.


Như vậy, ở một góc độ nào đó đã có sự không công bằng trong thi đua.


Chính vì vậy mà không ít đơn vị nhỏ (khoảng trên dưới 10 người), suất “Chiến sĩ thi đua” hằng năm nghiễm nhiên được dành cho sếp trưởng (có khi kéo thông luôn chục năm liền), nhân viên khó mà chen chân vào.


Cũng chính vì vậy mà cũng có không ít thủ trưởng đơn vị tình nguyện không đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” hoặc xin rút (mặc dù hoàn toàn xứng đáng) vì còn để “dành cho nhân viên”.


4. Một tập đoàn kinh tế tư nhân có cách khen thưởng cuối năm như sau: Thay vì đánh đồng tất cả cán bộ, công - nhân viên rồi chọn những người xuất sắc để khen thưởng, doanh nghiệp này phân làm hai loại đối tượng: 1/cán bộ; 2/công - nhân viên. Sau đó trong từng đối tượng sẽ chọn những cá nhân xuất sắc để khen thưởng. Cách làm này ít nhất cũng đã tạo được sự công bằng nhất định trong thi đua: Cán bộ thi đua với cán bộ, nhân viên thi đua với nhân viên; cũng giống như trong thể thao (ví dụ như đấu vật chẳng hạn), người ta chia ra từng hạng cân để đấu với nhau để tạo ra sự công bằng, tránh cho đô vật 45 kg phải đấu với đô vật 60 kg...


5. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn nêu lên vấn đề này với mong muốn các cơ quan chức năng có sự nghiên cứu, hoàn thiện để tạo sự công bằng hơn trong công tác thi đua, tránh cho “cuộc đấu” không cân sức để tất yếu dẫn đến kết quả là danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” nhưng phần lớn lại được trao cho “sĩ quan” (cán bộ) như hiện nay.

Bùi Văn Doanh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN