Dù mới gia nhập APEC chưa đầy 20 năm, nhưng đây là lần thứ hai chúng ta được chọn đăng cai các sự kiện của tổ chức này – một vinh dự hiếm có đối với một nền kinh tế thành viên có quy mô còn khá khiêm tốn. Hơn 200 hoạt động của APEC đã diễn ra ở 10 tỉnh thành trên cả nước kể từ đầu năm, với sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu là chính trị gia, doanh nhân có tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng đã ghi đậm dấu ấn với các hoạt động dày đặc của các cuộc gặp đa phương, song phương, liên quan đến nhiều thách thức mà cả thế giới đang phải đối mặt.
APEC 2017 không chỉ là sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng nhất trong năm với riêng nước ta, mà còn là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Với Việt Nam, diễn đàn này hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cũng như 18 đối tác quan trọng trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Với thế giới, APEC đại diện cho 39% dân số, 57% GDP và 49% giá trị thương mại toàn cầu. Tổ chức đa phương này đóng vai trò tiên phong trong giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại, cũng như xử lý các thách thức phi truyền thống khác đòi hỏi sự chung tay của mọi quốc gia.
Đặc biệt, sau kết thúc hội nghị, Việt Nam đã được đón tiếp các chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Đáng lưu ý, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2017, ông Donald Trump mới chỉ đi thăm một số ít nước đồng minh thân cận và Việt Nam là điểm đến thứ 14 của ông. Còn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay sau Đại hội 19 và được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã chọn Việt Nam là chặng dừng chân nước ngoài đầu tiên, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc trong mối quan hệ song phương với Việt Nam.
Đánh giá về sự kiện APEC, các nhà lãnh đạo, chuyên gia nghiên cứu chính trị và bạn bè quốc tế đều có chung nhận định đây là một cơ hội hiếm có để chúng ta quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động, thân thiện; khẳng định đường lối đối ngoại chủ động, tích cực. Việc tổ chức thành công năm APEC không chỉ mang lại những cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh, du lịch… mà còn giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh mềm trên trường quốc tế.
Những tác động tích cực từ việc đăng cai tổ chức một sự kiện quốc tế quan trọng đã được khẳng định trong thực tế. Sau kỳ đăng cai APEC 2006, chỉ sau 1 năm Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Liên tục các năm luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế duy trì mức 2 con số, đứng đầu khu vực và thế giới. Uy tín quốc tế ngày càng được củng cố thông qua việc đảm nhận các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn. Tới đây, Việt Nam sẽ đảm nhận nhiều vai trò chính trị quan trọng, như Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021…
“Một chuyến đi tuyệt vời đến Việt Nam”. Dòng trạng thái tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi rời Việt Nam dường như đã nói lên tất cả. Với việc tổ chức thành công APEC 2017, một lần nữa Việt Nam lại trở thành tâm điểm theo dõi của cả thế giới.