25 năm nâng tầm vị thế Việt Nam

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên thứ 7. Đây là một dấu mốc lịch sử lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả ASEAN nói chung.

Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế then chốt ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng.  Và những đóng góp của Việt Nam trong suốt 25 năm qua đã không phụ lòng kỳ vọng của các nước thành viên.

Thực tế đã chứng minh, xuyên suốt chặng đường 25 năm là thành viên trong đại gia đình ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN trên cả ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình, cũng như tại các cơ chế hợp tác toàn cầu. Trong một phần tư thế kỷ gắn bó với ASEAN, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đậm nét được bạn bè và đối tác ghi nhận.

Không quá lời khi nói rằng việc gia nhập ASEAN đã giúp nâng tầm vị thế Việt Nam, tạo cơ sở giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình hội nhập quốc tế. Tiến sỹ Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, nhận xét kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tiến hành một số cải cách kinh tế và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế với các đối tác trên thế giới. Một trong những sự kiện có ý nghĩa lớn là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Kết quả là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng từ khoảng 3 tỷ USD năm 1995 lên 20 tỷ USD vào năm 2019. Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 6,3% trong hơn 10 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp gần 10 lần từ 277 USD năm 1995 lên mức 2.715 USD vào năm 2019.

Ở chiều ngược lại, ASEAN có một thành viên tích cực và trách nhiệm như Việt Nam đang ngày càng phát triển, ngày càng thịnh vượng và gắn kết. Việt Nam chính là “cánh cửa”, chính là “nhịp cầu” kết nối Đông Nam Á với thế giới. Từ một khu vực tồn tại nhiều chia rẽ và khác biệt, ngày nay ASEAN đã trở thành cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. ASEAN với dân số trên 650 triệu người là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt 2.950 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn cầu. Hiện nay, ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với 7 đối tác hàng đầu thế giới, định vị vững chắc vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các đối tác quốc tế. Thành tựu đó có được nhờ những nỗ lực đóng góp không biết mệt mỏi của tất cả các thành viên, đặc biệt là những thành viên tích cực, trách nhiệm và chủ động như Việt Nam.

Một “điểm sáng” trong chặng đường 25 năm gia nhập ASEAN, góp phần làm đẹp thêm hai chữ Việt Nam trên trường quốc tế, đó là việc Việt Nam luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đề ra các sáng kiến, tham gia dẫn dắt chương trình nghị sự vì một ASEAN thịnh vượng, phát triển và đoàn kết. Nhiều người chắc hẳn còn nhớ ngay từ khi là một thành viên mới của đại gia đình ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar, hiện thực hóa ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với hiệp hội và tình hình khu vực.

Tháng 1/1996, tức là chỉ khoảng 6 tháng sau khi đứng trong mái nhà chung ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đại diện cho châu Á thành lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) với 17 nước châu Âu. Nói một cách khác, Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập ASEM. Mối quan hệ với những nước có trình độ phát triển cao của châu Âu đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam.
Và mới đây nhất, giữa “bão tố phong ba” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hình ảnh Việt Nam lại tỏa sáng, ấm áp đối với không chỉ người dân Việt Nam, mà còn cả với bạn bè các nước trong khu vực và thế giới. Vai trò dẫn dắt của Việt Nam, vị thế Việt Nam một lần nữa được khẳng định sáng chói.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các nước thành viên hiệp hội đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”, qua đó thể hiện sự đồng lòng, nhất trí phối hợp để ứng phó hiệu quả với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội trong khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng chủ đề của Năm Chủ tịch Việt Nam 2020 về xây dựng một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp với tình hình hiện nay. Tổng Thư ký Lim Jock Hoi khẳng định trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm được nhiều việc và "thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch", đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc giúp đỡ một số nước thành viên ASEAN cũng như một số nước đối tác đối thoại trong việc ứng phó với đại dịch.

Về phần mình, Giáo sư Aleksius Jemadu, chuyên gia quốc tế nổi tiếng thuộc Đại học Pelita Harapan của Indonesia, đánh giá Việt Nam đã thể hiện xuất sắc cương vị lãnh đạo các nước thành viên nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ vì ổn định khu vực. Giáo sư Aleksius bày tỏ tin tưởng Việt Nam đang ở vị trí tốt nhất để phát huy vai trò lãnh đạo ASEAN vào thời điểm quyết định hiện nay. Tất cả các nước ASEAN khác đều kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò hiệu quả trong việc đoàn kết ASEAN và ưu tiên thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của mình.

2020 là một năm đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa khi Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam vừa giữ ghế Chủ tịch không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vừa giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, là lần thứ 3 và đúng dịp tròn 25 năm Việt Nam gia nhập hiệp hội. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.

Xin dẫn lời bình luận của ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia), thay cho lời kết: “Chúng ta đang chứng kiến một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Và Việt Nam chính là ‘tấm gương’ phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực”.

Trần Thanh Tuấn
Bộ trưởng Ngoại giao Lào đề cao những đóng góp và vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Lào đề cao những đóng góp và vai trò của Việt Nam trong ASEAN

“Việt Nam đã thể hiện năng lực không chỉ trong việc lãnh đạo ASEAN mà còn thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trên thế giới và khu vực. Đây là minh chứng rõ ràng về vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN