Hội thảo là dịp để các chuyên gia ngành giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin đánh giá thực trạng, nhu cầu, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo trước xu thế chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát của Trung tâm trong cộng đồng, cơ sở giáo dục và đào tạo thời gian gần đây cho thấy, nhu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo ngày càng lớn, nhất là tại các trường học sau khi trải qua đợt dịch COVID-19.
Về cơ bản, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa các giải pháp quản lý, điều hành, phương thức giảng dạy. Ứng dụng công nghệ trong lớp học sẽ tạo môi trường giáo dục linh động, truy cập tài liệu học tập không giới hạn; tăng tính tương tác và trải nghiệm thực tế, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm chi phí đào tạo…
Việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh còn hướng đến xây dựng ngành giáo dục và đào tạo hiện đại, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số - ông Nguyễn Đức Tuấn khẳng định.
Thông qua Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, Công ty Cổ phần Titkul chia sẻ giải pháp quản lý giáo dục thông minh TK Smart Vision Edu để giải quyết bài toán khó nhà trường gặp phải bằng TK Robot AI và phần mềm TK Smart Vision có chức năng quản lý hệ thống học đường, hướng đến môi trường giáo dục thông minh.
Trong đó, TK Smart Vision Edu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào môi trường dạy và học giúp nhà trường giám sát, quản lý, kết nối học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên hiệu quả, dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn chỉ với một hệ thống duy nhất. Riêng thiết bị TK Robot AI có chức năng nhận diện gương mặt để điểm danh, kiểm tra thân nhiệt tích hợp với chế độ rửa tay sát khuẩn tự động giúp môi trường dạy và học được đảm bảo an toàn. Đặc biệt, thiết bị còn có thể nhận diện gương mặt kể cả khi người dùng đeo khẩu trang.
Theo ông Trịnh Minh Trí, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Titkul, ngoài quản lý, kiểm tra, giám sát, các ứng dụng này khi phát triển thêm còn giúp nhà trường tích hợp sử dụng thẻ thông minh trong thư viện, y tế học đường, căng tin, bãi giữ xe thông minh…; đồng thời hướng đến xây dựng phòng lab thông minh, module (từng phần) giáo trình giúp tiết học hoàn chỉnh hơn hoặc hình thành các app giáo dục, đào tạo, giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh gia tăng tương tác, tiết kiệm thời gian, cập nhật thông tin, chuyển đổi số trên cơ sở hệ sinh thái mới.
Cùng quan điểm, Thạc sỹ Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo. Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 và khi học sinh đi học trở lại, việc sử dụng Robot AI đã tạo thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh. Để xây dựng lớp học thông minh, hướng đến nhà trường thông minh, từ năm 2017, nhà trường đã trang bị các thiết bị thông minh như tivi thông minh, máy chiếu, kết nối mạng internet để học sinh dễ dàng truy cập tại lớp, giáo viên có thể lấy tư liệu, dữ liệu dùng chung…
Tại tọa đàm, các chuyên gia công nghệ, ngành giáo dục và đào tạo đã trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp về AI (trí tuệ nhân tạo) và Big data (dữ liệu lớn) trong tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động dạy và học. Nhiều đại biểu đề xuất giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng tích hợp công nghệ mới, ký kết hợp tác “Ứng dụng công nghệ trong xây dựng trường học thông minh - thúc đẩy phát triển thành phố thông minh” giữa các trường học và doanh nghiệp...