Thích thú học theo dự án
Học sinh sẽ phải tự thu thập thông tin, số liệu từ thực tiễn về các vấn đề liên quan đến dân số để viết một bài báo cáo. Sau đó, các học sinh sẽ phải đóng vai báo cáo viên, phóng viên, nhà nghiên cứu... để giới thiệu về dự án của nhóm trước lớp hoặc báo cáo trước toàn trường. Đó là phương pháp dạy học theo dự án của cô Hoàng Thị Hiền, Tổ trưởng bộ môn Địa lý Trường THPT Trần Khai Nguyên, hướng dẫn cho học sinh lớp 10, 11 và lớp 12 cùng tham gia với dự án "Dân số và phát triển bền vững".
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên được trải nghiệm và hình thành nhiều kỹ năng thông qua phương pháp dạy học theo dự án. Ảnh: Trường THPT Trần Khai Nguyên |
Cô Hoàng Thị Hiền cho biết, nội dung của dự án này đề cập đến các vấn đề sự gia tăng dân số quá nhanh, tỉ lệ nạo phá thai, mất cân bằng giới tính và bất bình đẳng giới tính, những áp lực dân số... Với những nội dung trên, các em sẽ được chia làm các nhóm Quỹ dân số Liên hiệp quốc, Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, Viện Nghiên cứu và phát triển TP Hồ Chí Minh, phóng viên báo chí... để nghiên cứu theo từng mục tiêu của mình. Việc thực hiện dự án “Dân số và phát triển bền vững” nhằm giúp các em sẽ tự nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và bài học cho bản thân trong việc tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới... đồng thời tăng cường hiểu biết về các mối quan hệ tình bạn, tình yêu lành mạnh.
"Chúng em rất thích thú với cách học mới này. Khác với lối học truyền thống chủ yếu là lý thuyết trên sách vở và những bài tập thiếu thực tế, với phương pháp dạy học theo dự án, chúng em được tự mình tìm hiểu các kiến thức từ thực tiễn, đưa ra quan điểm của mình. Từ đó, chúng em hiểu sâu hơn về thực trạng và tác động của vấn đề nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và thế giới, qua đó chúng em ý thức trách nhiệm của bản thân mình hơn", em Bùi Tấn Lộc học sinh lớp 11A2, chia sẻ.
Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy Văn trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, cho rằng thông qua việc học tập dự án, cách nhìn nhận và tiếp cận môn học của học sinh thay đổi theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, học sinh nhìn thấy được lợi ích mà các dự án mang lại cho các em. Lợi ích không nằm ở điểm số, ở kiến thức mà là ở cơ hội trải nghiệm cuộc sống với không gian ở bên ngoài lớp học. Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển rất nhiều kỹ năng như tự tin, sáng tạo; khả năng sắp xếp, lập kế hoạch, chủ động trong công việc; cách hợp tác tốt với nhiều đối tượng, khả năng thích ứng sự thay đổi môi trường sống và môi trường học tập. Điều quan trọng nhất là các em nhận thức được các giá trị sống, tư duy sáng tạo. Các kỹ năng này rất khó hình thành cho học sinh theo phương pháp dạy truyền thống.
Thay đổi cả thầy lẫn trò
Khác với phương pháp dạy học truyền thống, nơi giáo viên đóng vai trò chủ động trong mọi hoạt động, còn dạy học theo dự án mang lại sự đổi mới trong vai trò của giáo viên và học sinh. Người giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tư vấn cho các hoạt động của học sinh thay vì “cầm tay chỉ việc” cho học sinh của mình. Giáo viên nhìn ra sự liên quan của bài học tới các vấn đề trong cuộc sống, hình thành ý tưởng về một dự án để học sinh đóng vai trò là người thực hiện. Giáo viên có nhiệm vụ tham vấn nhiều hơn so với cách dạy truyền thống mà họ vẫn thường xuyên sử dụng.
Cô Hoàng Thị Hiền cho biết, đặc điểm của dạy học theo dự án là tích hợp cùng lúc nội dung kiến thức nhiều môn học, đòi hỏi học sinh phải dành thời gian tìm hiểu nghiên cứu vấn đề trong thực tế cuộc sống, nhưng do phải học nhiều môn trên trường, học thêm khiến các em không có thời gian. “Ở những dự án của mình, tôi chú trọng xây dựng lớp học online trên facebook. Mọi kế hoạch, hoạt động giảng dạy, trao đổi thông tin, tiến độ dự án, tập huấn kỹ năng tạo sản phẩm... đều thực hiện online. Ngoài giờ chính khóa và học thêm, học sinh rảnh rỗi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu đều có thể lên mạng thực hiện”, cô Hiền cho biết.
Cũng theo cô Hiền, học qua online giảm được những khó khăn, không chỉ cho học sinh mà còn cho giáo viên. Đây cũng là cách hạn chế học sinh lướt web vô bổ, thay vào đó các em khai thác kho kiến thức khổng lồ trên internet, hình thành khả năng tìm kiếm, chọn lọc, xử lí thông tin và khả năng tự học.
Thầy Ngô Thành Nam, giáo viên trường Việt Úc, chia sẻ: Thật ra không có một quy chuẩn cụ thể nào quy định phương pháp này phù hợp với loại hình lớp học nào. Phương pháp này đòi hỏi sự thay đổi về cả vai trò của người dạy và người học, đôi khi thử thách bắt nguồn từ chính người học do đã nhiều năm quen với cách học truyền thống. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có đủ sự kiên trì để vượt qua thách thức để thay đổi suy nghĩ của cả người dạy và người học. "Tôi thiết nghĩ, khi người giáo viên hiểu rõ bản chất của phương pháp, cộng với sự đam mê của bản thân thì dạy học theo dự án sẽ dễ dàng được nhân rộng", thầy Nam cho biết thêm.