Phát triển toàn diện kỹ năng cho học sinh

Với mục tiêu chính là "tự giáo dục", mô hình trường học mới đang thay đổi cả cách dạy và cách học của học sinh. Thay vì truyền đạt kiến thức một chiều như lâu nay, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh sử dụng tài liệu học tập để tự học. Cách dạy này giúp học sinh năng động và tự tin hơn, nhưng cũng khó nhân rộng vì áp lực sĩ số lớp học.


Năng động và tự tin


Không khí các lớp học theo mô hình trường học mới tại trường Tiểu học Tân Quý Tây 3 (huyện Bình Chánh) rất sôi động, vui tươi và thân thiện. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, chủ tịch hội đồng quản trị điều tiết các tiết học. Các ban học tập, quyền lợi, sức khỏe - vệ sinh, văn nghệ - thể dục, thư viện, đối ngoại tích cực tham gia xây dựng bài trong từng tiết học.

Mô hình trường học mới giúp học sinh phát triển toàn diện về kỹ năng.

Em Trần Nguyễn Nhật An, chủ tịch hội đồng quản trị lớp 3/1 hào hứng: “Em rất vui vì được các bạn bầu là chủ tịch. Công việc của một chủ tịch là phải làm tốt nhiệm vụ cầu nối, chuyển tải hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm đến các ban, cũng như hướng dẫn các ban tổ chức học tập, đánh giá quá trình học tập của các thành viên”.

Các giáo viên tham gia dạy theo mô hình này đều cho biết: Với cách học lâu nay, các em được nghe giáo viên giảng bài rồi phát biểu ý kiến, nên việc tiếp thu kiến thức khá thụ động. Theo phương pháp học mới, học sinh đã có sự chủ động, tự giác nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức thông qua tài liệu. Học sinh cũng xây dựng được tinh thần hợp tác, tích cực trao đổi bài vở, ít cần đến sự nhắc nhở của giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ nhiệm lớp 3/1 chia sẻ: Thông qua các hoạt động, học sinh đã năng động, tự tin trong học tập, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Các em cũng nắm vững quyền, nghĩa vụ, có trách nhiệm với công việc được phân công. Các em thực hiện rất tốt công tác phối hợp trong nhóm để phát hiện kiến thức mới, biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Những HS đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng hay nhóm trưởng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giáo viên linh động hơn


Theo thầy Nguyễn Đình Chiến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Quý 3, để lớp học sinh động hơn, nhà trường còn chú trọng trang trí lớp học theo hướng “môi trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện một số công cụ phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, lựa chọn hình thức phù hợp nhất cho từng đối tượng học sinh. Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh cùng tham gia xây dựng sơ đồ cộng đồng, nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về mô hình, mục tiêu giáo dục con em mình đang tham gia, từ đó tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

Theo Phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, trong năm học 2014 - 2015, mô hình trường học mới đã được áp dụng toàn phần cho các khối học sinh lớp 2 và từng phần cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5. Trưởng Phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, Dương Văn Thư cho biết: Sau một năm thực hiện mô hình trường học mới tại các trường tiểu học trong toàn huyện, học sinh đã tự giác hơn trong học tập, biết nghiên cứu tài liệu, hợp tác trong nhóm. Cách học thông qua những trải nghiệm đã giúp học sinh nắm bài kỹ hơn, nhớ lâu hơn. Đồng thời, các em có sự tự tin, dạn dĩ hơn trong giao tiếp, chia sẻ với bạn bè thầy cô, tạo được mối quan hệ gắn kết thân thiện giữa các thành viên trong nhóm. Đặc biệt là các em có trách nhiệm hơn với việc được phân công.

Chia sẻ về kinh nghiệm đứng lớp, cô Đặng Thị Minh Trí, giáo viên trường Tiểu học Tân Quý 3 cho biết, để cách học này hiệu quả, ngoài việc phải chú trọng xây dựng hội đồng tự quản học sinh, phát huy vai trò lãnh đạo của chủ tịch hội đồng, các nhóm trưởng; bản thân các giáo viên cũng phải linh động trong khâu tổ chức, thực hiện và tham gia dự giờ để học hỏi, rút kinh nghiệm. Mỗi giáo viên phải luôn có sự quan tâm, động viên, khuyến khích kịp thời những học sinh tiến bộ, cho dù đó là những tiến bộ nhỏ nhất và phải kiên nhẫn, không tạo áp lực, không nóng vội để học sinh có thời gian hình thành, phát triển kỹ năng khi được thực hành, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới tại TP Hồ Chí Minh, hội đồng tự quản đã phát huy tốt vai trò, giáo viên nhẹ nhàng khi tổ chức các hoạt động trên lớp và có nhiều thời gian để làm việc riêng với từng nhóm, từng học sinh để có phương pháp dạy hiệu quả theo khả năng từng nhóm, từng em. Qua những tiết học, các em năng động tích cực hơn. Tuy nhiên, áp lực về sĩ số lớp học là một vấn đề hết sức khó giải quyết khi nhân rộng mô hình này. Một lớp học thông thường có thể có trên 50 em, nhưng với mô hình này, lớp học tối đa khoảng 30 em mới đảm bảo được yêu cầu của mô hình, trong khi nhà trường muốn tăng lớp phải có thêm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Bên cạnh đó, một số giáo viên trẻ mới ra trường, chưa tiếp cận phương pháp mới của mô hình trong trường sư phạm nên chưa phát huy tốt vai trò của nhóm trưởng, khiến hiệu quả của mô hình không được phát huy tốt.
Đan Phương
Nỗi lo của học sinh nghèo Lào Cai - Kỳ cuối
Nỗi lo của học sinh nghèo Lào Cai - Kỳ cuối

Trên thực tế, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng cao giảm chậm, trong khi sách vở của học sinh qua sử dụng chuyền tay nhau sẽ không tránh được sự rách nát, thất thoát, phải mua sắm thêm và mua sắm lại nếu có những nội dung đổi mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN