Thần tốc và chính xác
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, Trường là một trong những đơn vị của Bộ Y tế có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đợt dịch vừa qua, Nhà trường đã chung tay với thành phố Hải Phòng tham gia công tác phòng, chống dịch như: lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm PCR, trực các chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ ra, vào thành phố, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân và người dân trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các thầy cô giáo, học viên, sinh viên tạm xếp “bút nghiên” tình nguyện đăng ký lên đường tham gia đoàn chi viện cho các địa phương trong cả nước phòng, chống dịch. Nhà trường đã cử 5 đoàn chi viện gồm hơn 600 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên, trong đó ba đoàn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang và hai đoàn hỗ trợ tỉnh Bình Dương, góp phần quan trọng giúp các địa phương khoanh vùng, dập dịch.
Tham gia các đoàn hỗ trợ là những cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm; các học viên, sinh viên được đào tạo bài bản, có kiến thức vững vàng, đã trải qua các đợt diễn tập sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Lần xuất quân đầu tiên của nhà trường là lên đường hỗ trợ Bắc Giang. 8 giờ ngày 27/5/2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường là Trưởng đoàn cùng 10 cán bộ, giảng viên và 70 sinh viên các khoa chuyên ngành rời Hải Phòng đến hỗ trợ địa phương bạn khoanh vùng, truy vết và xét nghiệm diện rộng. Thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh, giảng viên Khoa Y tế Công cộng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược Hải Phòng là Phó đoàn công tác này.
Nhớ lại những ngày đặc biệt đó, Thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh chia sẻ, đến Bắc Giang, Đoàn nhận nhiệm vụ hỗ trợ huyện Việt Yên. Bắt đầu từ ngày 28/5, hàng ngày Đoàn từ thành phố Bắc Giang đến huyện Việt Yên, làm việc từ 5 giờ đến 23 giờ 30 rồi trở về chỗ nghỉ ngơi. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Đoàn luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang N95 và hai lớp găng tay trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời lên tới 38, 39 độ C. Hơn 15 giờ mỗi ngày bó mình trong lớp đồ bảo hộ, ở điều kiện thời tiết nóng bức, ngột ngạt song đầu óc vẫn phải tỉnh táo để triển khai công việc chuyên môn và không được phép sai. Đến tối về nghỉ, nhiều thành viên của Đoàn tay chân nhăn nheo, phồng rộp. Để có sức chiến đấu trong ngày tiếp theo, các thành viên phải lấy đá lạnh chườm vào những vết thương. Cứ như thế, ngày nọ nối tiếp ngày kia, 23 ngày Đoàn đã hoàn thành những ngày hỗ trợ huyện Việt Yên truy vết, xét nghiệm.
Tham gia các đoàn hỗ trợ phòng, chống dịch vất vả, gian khó như vậy nhưng đến tháng 8/2021, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tiếp tục cử đoàn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, Thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh lại tình nguyện tham gia với một lý do thật đơn giản, là người trẻ phải đem kiến thức, kỹ năng mình học được chung sức cùng cộng đồng khi đất nước cần.
Nhân lên những thành tựu
Tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch là một trong những hoạt động tiêu biểu của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Suốt quá trình hình thành, phát triển, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển y học nước nhà và có ảnh hưởng quốc tế. Hiện Nhà trường có mối quan hệ hữu nghị hợp tác với hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2016, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thức, nguyên là Hiệu trưởng Nhà trường là Viện sĩ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại Viện Hàn lâm Y học quốc gia Pháp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường là một trong 130 chuyên gia được Bộ Y tế lựa chọn hỗ trợ cố vấn phương án hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường các thế hệ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các bệnh viện, hệ thống y tế cơ sở khu vực Duyên hải Bắc bộ. Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tiếp tục phấn đấu đào tạo nguồn nhân lực y tế uy tín, chất lượng, là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời chú trọng phát triển y dược biển đảo.
Trong nhiều buổi gặp mặt, làm việc với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam luôn ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của các cán bộ, giảng viên và các sinh viên Nhà trường.
Theo Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam, Nhà trường cần tiếp tục xây dựng các phương án chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Sở Y tế phối hợp với Nhà trường tập huấn cho Tổ Y tế cộng đồng dự kiến sẽ thành lập trong thời gian tới, để khi ca F0 tăng nhanh ngoài cơ sở y tế của thành phố, các tổ này cũng sẵn sàng. Nhà trường thành lập các tổ tiêm vaccine ngừa COVID-19 lưu động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi thành phố đề nghị hỗ trợ, đồng thời đề xuất với thành phố chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Nhà trường chủ động tham mưu đề tài khoa học cấp thành phố về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố, trong đó chú trọng đến sức khỏe người dân thuộc nhóm yếu thế như trẻ em, người già.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng chia sẻ, thời gian qua, dù hoạt động giảng dạy, học tập của nhà trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt, các thầy, cô giáo đã kịp thời có phương án thay thế phù hợp, từ phương pháp dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến đối với môn học lý thuyết, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo vừa đảm bảo chương trình kế hoạch và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Năm học 2021-2022, nhà trường đón 1.714 tân sinh viên các ngành học và hệ đào tạo. Đối với tân sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải bày tỏ mong muốn các em hãy học tập, rèn luyện để trở thành những thầy thuốc "giỏi về y thuật, sáng về y đức", tâm huyết với nghề để sau này công hiến cho ngành Y tế và cho đất nước.
Em Phạm Kim Liên, tân sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng thay mặt các sinh viên bày tỏ sự xúc động vì chính thức trở thành sinh viên của ngôi trường với bề dày truyền thống trong lĩnh vực y khoa. Phạm Kim Liên hứa sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện để trưởng thành và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thành phố Hải Phòng và đất nước.
Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tiền thân là cơ sở II Trường Đại học Y khoa Hà Nội tại Hải Phòng. Trường hiện có 423 giảng viên cơ hữu; trong đó, có 2 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 16 Tiến sĩ cùng nhiều Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa I. Với gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã đào tạo hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đại học và sau đại học, được đánh giá cao tại các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước.