Nhiều trường được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Toàn huyện Đức Hòa hiện có 10 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp, với hơn 60.000 lao động nhập cư. Sự phát triển về kinh tế, kéo theo các vấn đề về xã hội cần được quan tâm, chú trọng, nhất là công tác giáo dục và đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục là mục tiêu cấp bách nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu học tập của con em công nhân, giúp họ an tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, UBND huyện Đức Hòa đã cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ngân sách hạn chế, do đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển hiện nay.
Ngoài ra, Đức Hòa cũng là địa phương có dân số và cấp đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh. Toàn huyện có 64 trường học, trung bình mỗi năm học có khoảng 59.000 học sinh, 2.300 giáo viên từ cấp Mầm non đến Trung học Phổ thông.
Do đó áp lực về đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn là rất lớn, nhất là về nhu cầu vốn đầu tư. Huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực, sự ủng hộ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự quan tâm, kêu gọi hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Từ năm 2008 đến nay, huyện đã tiếp nhận nguồn tài trợ xã hội hóa xây dựng mới 3 ngôi trường theo hình thức trao tay. Trong đó, Trường Trung học Cơ sở Thi Văn Tám do Công ty Cổ phần Him Lam tài trợ. Trường Trung học Phổ thông Hậu Nghĩa được xây mới và Trường Trung học Cơ sở Hậu Nghĩa được sửa chữa từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, với tổng kinh phí 141 tỷ đồng.
Mới đây, Trường Trung học Cơ sở Trương Minh Bạch do gia đình bác sĩ Trương Minh Tuyết và nhà giáo Trần Đình Chiến (con gái và con rể của vị tiền bối cách mạng Trương Minh Bạch) tài trợ xây dựng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, trường chuẩn bị hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Thầy Nguyễn Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trương Minh Bạch cho biết, dự kiến, trường khánh thành và đi vào hoạt động trong tháng 9/2022. Công trình được xây dựng tại xã Đức Lập Thượng, với quy mô 24 phòng học và 23 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu của 2.160 học sinh của 4 khối lớp 6, 7, 8, 9. Trường được xây trên diện tích 2,3ha do huyện thu hồi đất, đền bù cho người dân và thực hiện san lấp mặt bằng từ nguồn ngân sách địa phương.
Đức Hòa cũng thu hút nhiều nguồn lực xã hội hóa để xây trường lớp. Trong đó Trường Trung học Phổ thông Võ Văn Tần do Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà HDTC tài trợ xây dựng, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Công trình có 78 phòng (trong đó 45 phòng học, 33 phòng chức năng) đáp ứng nhu cầu học tập của gần 2.000 học sinh thuộc vùng hạ của huyện.
Bên cạnh đó, huyện tiếp nhận nguồn tài trợ (gần 20 tỷ đồng) của ông Mai Văn Trí là người con của quê hương Đức Hòa tại Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A (xã Đức Lập Thương), với 20 phòng học, 7 phòng chức năng. Địa phương tiếp nhận nguồn kinh phí từ đóng góp của gia đình ông Lê Đông Phong để sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho Trường Trung học Cơ sở Lê Quang Thẩm (xã Hựu Thạnh); vận động các đơn vị xây dựng 6 phòng học, sửa chữa 7 phòng và hỗ trợ trang thiết bị của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Hạnh (điểm trường Giồng Lớn, ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam)…
Tăng cường kêu gọi nguồn lực đầu tư
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa Liêu Văn Bùng cho biết, địa phương luôn xem công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục là giải pháp giúp nhà trường nâng cao chất lượng cũng như hiểu biết về giáo dục đối với các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội. Huyện phát huy sức mạnh của gia đình, nhà trường và xã hội, tranh thủ nguồn lực trong xã hội chung tay vào hoạt động giáo dục, tạo ra một “xã hội học tập”, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước.
Thời gian qua, Hội Khuyến học, ngành Giáo dục và Đào tạo Đức Hòa luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Năm 2013, huyện đã thành lập Quỹ Học bổng Võ Văn Tần để chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh kém may mắn, có ý chí vươn lên trong học tập. Từ nguồn quỹ này (hiện nay là trên 15 tỷ đồng) nhiều học sinh khó khăn được tài trợ học bổng đến khi hoàn tất chương trình Đại học.
Ngoài ra, địa phương duy trì vận động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân, mỗi năm học tổ chức tặng quà và trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi. Mỗi năm, Ban Giám hiệu các trường trên địa bàn huyện đã chủ động vận động nhà hảo tâm tặng quà, học bổng cho học sinh, hỗ trợ kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường, lớp tại địa bàn có khu, cụm khu công nghiệp vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Theo ông Liêu Văn Bùng, việc huy động xã hội hóa giáo dục, phát triển trường lớp hằng năm tuy đạt nhiều kết quả song vẫn chưa tương xứng với quy mô dân số và nhu cầu thực tế của huyện. Việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường mầm non và phổ thông ngoài công lập còn ít; trong khi đó một số trường mầm non tư thục phải chuyển đổi xuống lớp mầm non độc lập do khó khăn vì dịch COVID-19. Một khó khăn nữa là việc mở rộng quỹ đất để phát triển trường lớp còn chậm so yêu cầu thực tế.
Những khó khăn, tồn tại nêu trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan do Đức Hòa đang phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng phát triển trường lớp. Ngoài ra, do cơ chế, chính sách hiện nay chưa thật sự thu hút tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập...
Để từng bước giải quyết vấn đề trường lớp đối với các xã có khu, cụm công nghiệp, thời gian tới, huyện thường xuyên rà soát mạng lưới trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển trường, lớp theo kế hoạch hằng năm, đồng thời dự báo về quy mô phát triển cho những năm tiếp theo để tránh quá tải, bị động về trường, lớp… Địa phương kiến nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển mạng lưới trường học và cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công lập trên địa bàn.