Trong bức tranh chung ấy, việc tranh thủ nguồn lực trong xã hội chung tay vào hoạt động giáo dục, tạo ra một “xã hội học tập”, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài phản ánh về vấn đề trên.
Bài 1: Tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Nhiều địa phương tại Long An đang vướng tiêu chí về trường học trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các địa phương mong muốn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, sự đồng lòng của nhân dân và nhà hảo tâm để đầu tư cho giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn.
Tiêu chí khó
Đức Lập Thượng là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đức Hòa. Tuy nhiên tại địa phương này, trường học đạt chuẩn quốc gia vẫn là tiêu chí khó đạt trong quá trình xã hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Lê Hữu Phi, Chủ tịch UBND xã Đức Lập Thượng cho biết, trên địa bàn xã hiện có 4 trường học, trong đó, Trường Mẫu giáo Đức Lập Thượng và Trường Tiểu học Đức Lập Thượng B đã đạt chuẩn quốc gia. Trường Trung học Cơ sở Trương Minh Bạch vừa được đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng trong năm học này. Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A cơ sở vật chất còn thiếu thốn, địa phương đã kêu gọi được vốn xã hội hóa đầu tư nhưng chưa có quỹ đất, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong năm 2023.
“Xã đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao và đã đạt 18 tiêu chí, chỉ còn vướng tiêu chí về trường học (phải có 100% trường đạt chuẩn) mới đạt nông thôn mới nâng cao. Hiện, xã có 2/4 trường đã đáp ứng điều kiện. Dự kiến đến khoảng năm 2024 - 2025 xã đạt nông thôn mới nâng cao”, ông Lê Hữu Phi cho biết.
Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A được xây dựng từ năm 2000 với 11 phòng học, thư viện, 2 phòng Tin học và một phòng Ngoại ngữ. Trường có gần 900 học sinh, theo quy định được phân chia 25 lớp. Tuy nhiên, do chỉ có 11 phòng học nên mỗi năm nhà trường tổ chức 21 - 22 lớp, theo đó sĩ số mỗi lớp thường cao. Khối lớp 1 sĩ số thấp nhất trường, trung bình 40 học sinh/lớp; khối lớp 3, sĩ số cao nhất trường, trung bình 46 - 50 học sinh/lớp.
Thầy Nguyễn Chí Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Lập Thượng A cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do thiếu phòng học, những năm qua, nhà trường khắc phục bằng cách dạy học 5 tiết/ngày và dạy học cả ngày thứ Bảy. So với dạy 2 buổi/ngày nhà trường vẫn bảo đảm số tiết, giáo viên của trường cũng chia sẻ với khó khăn này. Tuy nhiên, hoạt động vui chơi cho trẻ không được bằng các trường chuẩn.
Nỗ lực của huyện nông thôn mới
Châu Thành là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Long An được công nhận vào năm 2019. Báo cáo về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình nông thôn mới, UBND huyện Châu Thành cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, có tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đó là tiêu chí số 5 về “Trường học”, quy định “tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học Cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia (đạt 80%)”.
Những năm qua, huyện đã tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng huyện, xã nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 36 trường học công lập (13 trường Mầm non, 13 trường Tiểu học, 8 trường Trung học Cơ sở/13 xã, thị trấn, 2 Trường Trung học Phổ thông). Song song với việc sáp nhập trường lớp, UBND huyện đã thực hiện Đề án quy hoạch hệ thống trường lớp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Để hoàn thiện Đề án quy hoạch hệ thống trường lớp cùng với triển khai tốt Đề án về tăng cường cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành đã nhận được sự đầu tư lớn, có chất lượng từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở trường lớp...Từ năm 2018 đến nay, có 31 phòng học, 74 phòng chức năng được xây mới và đi vào hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Hà Minh Tuấn cho biết, để đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại, phù hợp điều kiện mới trong quá trình hội nhập và phát triển, việc tăng cường cơ sở vật chất giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn luôn được UBND huyện quan tâm chú trọng. Châu Thành đã có 13/13 trường Mầm non, 12/13 trường Tiểu học, 8/8 trường Trung học Cơ sở, 2/2 trường Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 97,2%.
Theo kế hoạch năm 2022, địa phương đề nghị công nhận lại 10 trường, tính đến tháng 8/2022 đã công nhận lại 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường còn lại đang hoàn thành hồ sơ đề nghị dự kiến đến tháng 12 năm 2022 sẽ hoàn thành kế hoạch năm. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.
Huyện Châu Thành phấn đến năm 2023 đạt nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó yêu cầu tiêu chí về “Trường học” cũng cao hơn: “Tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia (đạt 100%)”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân phải nỗ lực không ngừng, huyện mong muốn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, sự đồng lòng của nhân dân và nhà hảo tâm để đầu tư cho giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn, ông Hà Minh Tuấn chia sẻ.
Bài cuối: Chú trọng các địa bàn phát triển công nghiệp