Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, từ ngày 7/2 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 70.000 học sinh ở các khối lớp 5, 6, 9, 10, 11 và 12 đến trường học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh Trung học Phổ thông đi học trực tiếp đạt trên 98%, Trung học Cơ sở đạt trên 97%. Sau 2 tuần triển khai học trực tiếp, tỉnh đã ghi nhận hơn 90 học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Các trường đã phối hợp với lực lượng y tế địa phương xử lý, truy vết kịp thời các trường hợp liên quan, phun khử khuẩn trường lớp và bố trí lớp học ở vị trí mới để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa không gián đoạn việc học của học sinh.
Qua triển khai, các trường đã chủ động xây dựng phương án dạy học kết hợp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giãn cách trong phòng học, hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học và trong các khối lớp... Các cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, rà soát thông tin về sức khỏe học sinh, qua đó đã phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục gặp một số khó khăn trong việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, một số cơ sở lúng túng khi xử lý các trường hợp nghi nhiễm hoặc khi phát hiện học sinh mắc COVID-19 tại gia đình, trường học…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận lưu ý, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần tiếp tục triển khai hiệu quả biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh học trực tiếp, nhất là khi ngành Giáo dục chuẩn bị đón học sinh lớp 1, lớp 2 và trẻ mẫu giáo trở lại trường, song song với việc giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục.
Để thực hiện mục tiêu này, các trường cần tạo môi trường học tập thoáng mát, xanh, sạch, đẹp và an toàn cho học sinh, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch để phụ huynh yên tâm khi đưa con đến trường. Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên rà soát phương án phòng, chống dịch để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh quay lại học đầy đủ và các tình huống phát sinh khi có F0, F1.
Từng trường phải tăng cường phối hợp với lực lượng y tế địa phương để hỗ trợ xử lý tình huống, tổ chức diễn tập các phương án cụ thể để giáo viên, học sinh chủ động thực hiện khi phát hiện trường hợp F0, không lúng túng dẫn đến lây lan dịch bệnh trong trường hoặc tâm lý hoang mang trong phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, các trường phải có kế hoạch tổ chức phòng học đa dụng, vừa dạy học trực tiếp cho học sinh tại lớp và dạy trực tuyến cho học sinh phải cách ly do dịch bệnh, giúp việc học không bị gián đoạn.
Các trường cần tận dụng thời gian quay lại trường để rèn luyện nề nếp và tạo tâm thế học tập cho học sinh, rà soát, phân loại học sinh để đánh giá năng lực, phát hiện các lỗ hổng kiến thức để bồi dưỡng, củng cố kịp thời. Tùy theo tình hình học sinh trở lại trường và khả năng tiếp thu khi học trực tiếp, từng trường xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp cho từng khối lớp, đảm bảo kiến thức và kỹ năng căn bản cho học sinh. Đặc biệt, đối với các trường tiểu học, mầm non, cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú phù hợp với điều kiện của trường, chú trọng công tác an toàn phòng, chống dịch cho trẻ khi học bán trú.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận nhấn mạnh, các trường cần làm tốt công tác truyền thông, vận động học sinh trở lại trường bằng nhiều hình thức để đảm bảo quyền học tập của học sinh. Đặc biệt, nhà trường cần chú trọng truyền thông về công tác chuẩn bị trường lớp, các điều kiện an toàn phòng, chống dịch, tăng cường kết nối, nhận phản hồi từ phụ huynh để có những điều chỉnh phù hợp trong tổ chức dạy học trực tiếp, tạo sự đồng thuận và sự phối hợp của phụ huynh để đưa trẻ đến trường an toàn trong tình hình mới.