Từng bước 'gỡ khó' việc thiếu giáo viên ở vùng cao Lào Cai

Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương của Lào Cai, việc thiếu giáo viên ở các cấp học đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học. Thực trạng này đòi hỏi các đơn vị trường học linh hoạt đưa ra những giải pháp khắc phục, giúp chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. 

Chú thích ảnh
Thiếu giáo viên nhiều nhất vẫn là bậc mầm non. Ảnh minh họa: TTXVN

Thiếu giáo viên ở nhiều cấp học

Thiếu giáo viên ở các cấp học, đặc biệt là bậc học Mầm non là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và thực trạng này đang khiến các đơn vị trường, ngành Giáo dục Lào Cai đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp ở xã vùng cao biên giới Dền Thàng, huyện Bát Xát luôn đạt 100%, vì vậy, Trường Mầm non Dền Thàng luôn duy trì số trẻ trên 300 cháu ở các phân hiệu và điểm trường chính. Năm học 2019-2020, trường thiếu tới 8 giáo viên, chỉ có 18 giáo viên phụ trách 13 lớp. Đến gần cuối năm học (từ ngày 1/3), số giáo viên hợp đồng mới được bổ sung. Năm học mới 2020-2021, học sinh của nhà trường rất đông với 350 cháu trong khi nhà trường chỉ có 23 giáo viên đứng lớp nên việc bố trí giáo viên cũng là bài toán nan giải. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại các trường Mầm non, mỗi lớp chỉ từ 15 đến 25 cháu tùy theo độ tuổi đối với nhóm nhà trẻ và từ 25 đến 35 cháu tùy theo độ tuổi đối với nhóm mẫu giáo. Với số trẻ và số giáo viên hiện có, nếu tính theo quy định, nhà trường thiếu 3 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường phải sắp xếp 3 giáo viên phụ trách 2 lớp đối với nhóm trẻ mẫu giáo. 

Hiệu trưởng Trường Mầm non Dền Thàng Nguyễn Thị Vân chia sẻ: “3 cô phụ trách 2 lớp gần 80 cháu rất vất vả và quá sức đối với giáo viên. Các hoạt động từ đón trẻ đến trả trẻ đều gặp khó khăn, nhất là hoạt động cho trẻ ăn và tổ chức dạy kỹ năng cho trẻ. Nếu có thêm một giáo viên phụ trách cùng thì công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều...”. Cũng theo bà Nguyễn Thị Vân, năm học 2020-2021, nhà trường đã kiến nghị với các cấp, ngành chức năng để tăng cường giáo viên và đợi bổ sung biên chế. Trong lúc chờ đợi, các giáo viên trong trường tiếp tục động viên nhau nỗ lực khắc phục khó khăn đảm bảo hoạt động dạy và học. 

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhiều trường Mầm non cũng trong tình trạng tương tự Trường Mầm non Dền Thàng. Theo thống kê, năm học 2020-2021, Lào Cai còn thiếu 1.307 biên chế giáo viên. Trong đó, lực lượng giáo viên ở cấp học Mầm non thiếu hụt nghiêm trọng nhất với 659 biên chế. 

Không chỉ ở Mầm non, tình trạng thiếu giáo viên cũng là vấn đề nan giải đối với các cấp học còn lại của Lào Cai. Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên gắn với sắp xếp mạng lưới trường lớp; sáp nhập các trường nhỏ, đưa học sinh lớp 3, 4, 5 và các lớp dưới từ điểm trường lẻ về điểm trường chính, tăng số học sinh trên lớp; giảm trường, giảm lớp nhưng vẫn tăng số lượng học sinh để khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số trường. Tuy vậy, bước vào năm học mới 2020-2021, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, cấp Tiểu học thiếu 379 biên chế, cấp THCS thiếu 223 biên chế và THPT thiếu 47 biên chế. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết cho ngành Giáo dục và các địa phương cần có những giải pháp đột phá, mang tính lâu dài để bảo đảm chất lượng dạy và học.

Triển khai một số biện pháp hữu hiệu

Trước thực trạng thiếu giáo viên, các địa phương và cả ngành chức năng của Lào Cai đã và đang triển khai một số biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Trong đó, điều động, biệt phái giáo viên là biện pháp mà ngành Giáo dục Lào Cai thực hiện để giải bài toán thiếu giáo viên.
 
Mặc dù nằm ở địa bàn thuận lợi, nhưng những năm trước, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là một trong những khó khăn của Trường Tiểu học thị xã Sa Pa. Đặc biệt, năm học 2019-2020, khi quy mô tuyển sinh của trường có tăng lên so với các năm học trước, trường bị thiếu 3 giáo viên. Sau đó, trường được ưu tiên biệt phái giáo viên từ các địa bàn khác về, trong đó chủ yếu là những giáo viên có năng lực tốt ở các đơn vị cũ, giúp chất lượng đào tạo của trường được đảm bảo. Ông Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kết thúc năm học 2019-2020, trường rà soát nhận thấy năm học mới sẽ thiếu 6 giáo viên do nghỉ hưu, số lớp tăng. Rút kinh nghiệm từ những năm học trước, ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, tính toán lượng giáo viên, học sinh phù hợp và đề xuất ngay với cấp trên bổ sung số lượng giáo viên kịp thời từ đầu năm cho nhà trường. Nhờ vậy, bước vào năm học mới 2020-2021, Trường Tiểu học thị xã Sa Pa còn không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.

Theo thống kê của ngành Giáo dục thị xã Sa Pa, năm học 2020 - 2021, thị xã thiếu 63 giáo viên, chủ yếu ở cấp THCS (thiếu gần 40 giáo viên) do số lớp học ở cấp này tăng thêm 7 lớp và lượng lớn giáo viên nghỉ hưu và xin luân chuyển công tác đến địa phương khác... Để đảm bảo số lượng giáo viên trước năm học mới, ngành Giáo dục thị xã đã tăng cường, biệt phái, sắp xếp lại cơ cấu đội ngũ giáo viên. Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: "Việc thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc học THCS, trước mắt chúng tôi thực hiện biệt phái với giáo viên từ những trường có tỷ lệ cao hơn sang các trường chưa đảm bảo cho đến khi tuyển dụng đủ số giáo viên".

Cùng với Sa Pa, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng thực hiện điều động, tăng cường nhiều giáo viên ở các trường vùng thấp lên bổ sung cho các trường vùng cao còn thiếu. Song song với đó, các trường đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tạo mọi thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần để động viên đội ngũ giáo viên được điều động, tăng cường yên tâm công tác. Ngoài ra, thời gian qua, giải pháp mà nhiều địa phương đưa ra nhằm khắc phục tình trạng này là tích cực tham mưu với UBND cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục bổ sung chỉ tiêu biên chế, tuyển bổ sung giáo viên hằng năm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương; có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác ở những vùng khó khăn để thu hút và tránh giáo viên bỏ nghề do thu nhập không bảo đảm cuộc sống.
 
Cùng với đó, ngay từ đầu năm học, đa số các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều đã chủ động xây dựng xây dựng phương án bố trí giáo viên một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế như: Tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng số tiết dạy cho giáo viên; để giáo viên dạy kiêm nhiệm, thậm chí là cả các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường đảm nhiệm phụ trách giảng dạy các môn học...
 
Theo bà Dương Bích Nguyệt, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, để đảm bảo đội ngũ giáo viên cho năm học 2020-2021, Sở đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai cho phép tiếp tục hợp đồng với số giáo viên, nhân viên còn thiếu theo chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao thời hạn hợp đồng là 1 năm. Những giải pháp trên là cần thiết để khắc phục khó khăn tạm thời. Về lâu dài, tỉnh Lào Cai cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, chủ động cân đối, điều tiết, bố trí giáo viên, tuyển dụng viên chức giáo viên trên địa bàn theo kế hoạch.

Hương Thu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh thiếu giáo viên, phòng học khi triển khai chương trình giáo dục mới
TP Hồ Chí Minh thiếu giáo viên, phòng học khi triển khai chương trình giáo dục mới

Từ năm 2020, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho cấp tiểu học. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức hiện nay là thiếu phòng học tổ chức học 2 buổi/ngày, đặc biệt là thiếu giáo viên tiếng Anh, Mỹ Thuật, Công nghệ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN