Trượt lớp 10 công lập không phải là 'ngõ cụt'

Theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong mùa tuyển sinh năm 2019 -2020 sẽ có khoảng 35.000 học sinh không được vào lớp 10 công lập. Như vậy, những thí sinh không được vào lớp 10 công lập sẽ đi về đâu và con đường vào đại học thực sự đã bị dập tắt?

Nhiều ngã rẽ khi trượt lớp 10 công lập

Mấy năm trước, cũng giống như bao bạn bè đồng trang lứa, L.T. H. (TP Hồ Chí Minh) đã đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập và cũng ra sức ôn tập, nhưng khả năng học có giới hạn nên H. không đỗ. Sau đó, H. đi làm gia công may ở cơ sở tư nhân. L.T.H kể: “Trong lúc đi làm tại xưởng may, em có tìm hiểu và biết trường nghề có nhận học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS nên em đăng ký vào học ngành điều dưỡng của trường Trung cấp Bách Khoa. Sau khi học nghề hai năm em đã có công việc ổn định và đúng ngành nghề mình yêu thích”.

“Bây giờ cho em lựa chọn lại em vẫn chọn vào học trường nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Học nghề rút ngắn được rất nhiều thời gian, không áp lực và cũng dễ xin việc khi mình đã thuận nghề”, H. chia sẻ.

Chú thích ảnh
Nếu không vào được lớp 10 công lập, các em vẫn có cơ hội học đại học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thành phố đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, tính trung bình mỗi năm giảm 3% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 công lập. Dự kiến đến năm 2020 chỉ còn khoảng 60% học sinh vào lớp công lập. Do đó, trong năm học 2019 -2020 dự kiến sẽ tuyển khoảng 70.000 học sinh trên tổng số hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS.

Ông Hiếu cho rằng, những trường hợp học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, các em có thể tham gia học tập tại các trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập, tuy số môn học ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau. Qua thống kê năm học 2018-2019, hệ thống các trường học này đáp ứng khoảng 35.000 vị trí tuyển sinh, tức là đủ khả năng đáp ứng đủ chỗ học cho các em. Mặt khác, kết quả thống kê cho thấy, học sinh thi lại và ở lại lớp 10 là rất lớn, đặc biệt vùng ven, ngoại thành. Học sinh tốt nghiệp lớp 9 có học lực trung bình, yếu khi vào học lớp 10 thường bị đuối nên những trường hợp này rất phù hợp với việc vào học trung cấp nghề.

“Để đáp ứng năng lực học tập của học sinh, hiện các trường cao đẳng cũng tuyển hệ trung cấp sau khi học sinh học hết lớp 9 với đa dạng ngành nghề được đào tạo”, ông Hiếu cho biết thêm.

Rút ngắn thời gian lập nghiệp

Chú thích ảnh
Học trung cấp, học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, cố gắng giành một suất vào lớp 10 công lập để con mình có thể tiếp tục vào đại học và cơ hội nghề nghiệp sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trượt lớp 10 công lập, các em vào học trong các trường trung cấp không những vẫn có cơ hội học lên đại học mà thời gian học còn được rút ngắn.

Thầy Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách Khoa TP Hồ Chí Minh phân tích, học sinh học Trung cấp nghề vẫn có bằng THPT và vẫn có thể học lên cao đẳng, đại học. Học sinh học THPT đến khi học hết đại học thì phải mất 7 -7,5 năm. Còn học sinh THCS nếu theo con đường vào học trong trường trung cấp chuyên nghiệp và lên tới đại học thì các em chỉ mất thời gian 5 -5,5 năm học. Cụ thể, học sinh vào học trong trường trung cấp chuyên nghiệp sẽ học khoảng 3 năm vừa có bằng nghề vừa có bằng THPT. Sau đó học sinh chỉ mất khoảng 2 -2,5 năm học liên thông lên cao đẳng, đại học. Trong ba năm học trung cấp chuyên nghiệp học sinh còn được miễn học phí và chỉ phải đóng học phí 2 năm học đại học. 

“Nhiều phụ huynh xưa nay có quan niệm, học trung cấp là con đường vòng để vào đại học nhưng theo phân tích ở trên thì đó lại là con đường ngắn để các em đến gần hơn với cơ hội nghề nghiệp”, thầy Sáng cho biết. 

Tâm lý khiến phụ huynh và học sinh e dè khi vào học trong các trường trung cấp nghề là vì cho rằng tấm bằng trung cấp không có giá trị bằng bằng đại học. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng đây là một tâm lý sai lầm. Vì hiện nay, các doanh nghiệp không còn quá coi trọng bằng cấp mà chỉ dựa hiệu quả công việc. Và xã hội đang cần thợ nhiều hơn thầy.

Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về thị trường lao động ở trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể: bậc đại học chiếm 12%, cao đẳng chiếm 13%, trung cấp chiếm 35% và sơ cấp là 40%. Thầy Sáng cho hay, nhìn nhận thực tế cơ hội nghề nghiệp của các em rất lớn khi học tại các trường nghề, đa số các em học hệ trung cấp sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và còn có cơ hội đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật, Đức, Hàn… với thu nhập tương đối cao.

Thầy Văn Công Lập, hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Bình Thạnh cho hay, để thay đổi tư duy của phụ huynh và học sinh thì chương trình đào tạo phải phù hợp với thị trường lao động, trong quá trình dạy học phải có sự đổi mới, phối hợp doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

Bài ảnh Đan Phương/Báo Tin tức
Nhiều điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội năm học 2019 - 2020
Nhiều điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội năm học 2019 - 2020

Chiều 25/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2019 - 2020; công tác xét tốt nghiệp THCS năm học 2018 - 2019; công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019. Trong đó, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 có nhiều điểm mới đáng quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN