Bất an với thực phẩm trong và ngoài trường học
Thông tin một trường học ở phía Bắc đưa thịt lợn "bẩn" vào chế biến, cùng với đó, nhiều tỉnh thành công bố dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều phụ huynh tỏ ra bất an với các bữa ăn của con trẻ trong và ngoài trường học, bởi thịt lợn chiếm phần lớn trong các suất ăn của trẻ. Chị Thanh Hoa (quận 5, TP Hồ Chí Minh) có con đang học tại một trường tiểu học ở quận 5, cho biết chị rất lo lắng và dặn con không được ăn thức ăn nào có thịt lợn.
Có hai con đang học bán trú, chị Nguyễn Thị Thủy (quận Thủ Đức) cho biết, hai con của chị đang học tiểu học ở hai trường khác nhau. Bé lớn đang học lớp 5, trong trường không có bếp ăn nên nhà trường đặt phần ăn ở ngoài đem vào, nhiều lần bé cũng kể ăn cơm ở trường không ngon, đồ ăn nguội và rất sợ ăn thức ăn trong trường. Trong khi đó, trường của bé nhỏ thì có bếp ăn trong trường và bé rất thích ăn vì có bạn cùng ăn và đồ ăn cô nấu cũng ngon.
“Thật sự tôi chưa vào bếp của nhà trường để kiểm tra nhưng nghe bé nói thích ăn cơm ở trong trường tôi cũng yên tâm một phần. Lo lắng nhất vẫn là thức ăn của bé học lớp 5, vì trường đặt suất ăn ở ngoài nên mình cũng không kiểm tra được thực phẩm họ chế biến như thế nào. Bên cạnh đó, quá trình đóng gói, vận chuyển thức ăn cũng rất dễ nhiễm vi sinh, ăn vào dẫn đến ngộ độc và bé lớn cũng không ít lần bị đau bụng đi ngoài sau khi ăn ở trường”, chị Thủy cho biết.
Nếu bất an với thực phẩm trong trường một phần thì nhiều phụ huynh lại tỏ ra lo lắng gấp 10 phần khi trước các cổng trường thường xuất hiện nhan nhản các quán hàng rong, chế biến sẵn như xúc xích chiên, trà sữa, bánh tráng trộn… Trong thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện vài vụ nghi ngộ độc thực phẩm do học sinh mua thực phẩm từ bên ngoài trường. “Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con mình vì không biết cháu có thể bị ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào, hoặc ăn vào có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe về sau khi trước cổng trường các quán hàng rong bày bán rất nhiều thức ăn không được vệ sinh, nguồn gốc không rõ ràng”, chị Nguyễn Thị Hường (quận 2) cho hay.
Trước những lo lắng của phụ huynh về lợn bị dịch tả lợn châu Phi và lợn nhiễm sán gạo, nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã thay đổi thực đơn, thay thịt lợn bằng các loại thịt gà, bò, vịt, cá, tôm… để trấn an tâm lý cho phụ huynh. Song song với việc thay đổi thực đơn, các trường còn siết chặt hơn khâu giám sát thực phẩm và diễn biến tình hình của dịch bệnh.
Đại diện một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Tân cho biết, thực phẩm được đưa vào trường đều được nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng và có nguồn gốc rõ ràng, nhưng để “trấn an” tâm lý phụ huynh, nhà trường tạm thời thay đổi thực đơn món, thay thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.
Siết chặt thực phẩm vào trường học
Trước những thông tin về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục diễn ra trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế... đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căn tin để phục vụ học sinh trong các trường học. Vì vậy, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố rất được các cấp, ngành và phụ huynh quan tâm và cùng chung tay giám sát. Do đó, mục tiêu Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đặt ra không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh trong quá trình chế biến mà còn kiểm soát chặt đầu vào bằng cách truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm trước khi đưa vào trường học.
Cụ thể, trong năm học 2018-2019, Ban quản lý An toàn Thực phẩm thành phố đã kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tiến hành thực hiện thí điểm về tiếp nhận nguồn thực phẩm an toàn tại các bếp ăn tập thể, căn tin trường học tại 6 quận trên địa bàn thành phố. Theo đó, các bếp ăn tập thể trường học ở những quận thí điểm mô hình này chỉ tiếp nhận và sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đạt chuẩn Viet GAP, GloboGAP… Về lâu dài, mô hình này sẽ nhân rộng ra tất cả các bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn 24 quận, huyện thành phố.
Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết, sở đang tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát nguồn thực phẩm vào các bếp ăn ở các trường học và cũng khuyến cáo các trường học chú ý trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn. Theo đó, nhà trường muốn ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hoặc thực phẩm, chế biến bữa ăn cho học sinh phải tuân thủ theo Thông tư liên tịch 1008 (năm 2017) giữa Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh hoặc những chuẩn an toàn thực phẩm khác đối với nhóm thực phẩm đóng gói, nhóm thực phẩm chế biến.
Bên cạnh vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh còn chú trọng đến chất lượng dinh dưỡng cho học sinh. Qua đó, từ năm 2016, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện phần mềm dinh dưỡng Ajinomoto và triển khai đồng loạt tại 24 quận huyện. Đối với những trường không thực hiện theo phần mềm dinh dưỡng Ajinomoto thì có một bộ phận phụ trách cấp dưỡng chịu trách nhiệm chính về việc lên thực đơn cho học sinh hàng ngày.
"Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là một trong những mục tiêu quan trọng của Ban phải được thực hiện xuyên suốt và liên tục để thật sự có tác dụng; làm sao để ngăn ngừa sai phạm, đề phòng và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, chứ không chỉ khi có chuyện xảy ra mới chạy theo giải quyết hậu quả", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Trong năm qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã cùng với lực lượng các Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận-huyện đã thực hiện thanh tra chuyên đề tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên toàn địa bàn thành phố về việc chấp hành các điều kiện an toàn thực phẩm, cũng như nguồn nguyên liệu thực phẩm; đồng thời lấy mẫu thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các bếp ăn tập thể để đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.