Tuy nhiên việc xây dựng nhà mái tôn, tường cũng bằng tôn đã khiến cho những lớp học này chẳng khác "lò sấy" vào những ngày hè.
Cô giáo Nông Thị Hương, phụ trách điểm trường mầm non Phiêng Pán, xã Cần Nông cho biết: Cơ sở vật chất của trường mới được đầu tư đưa vào sử dụng từ tháng 9/2015 với 1 phòng học, 1 nhà bếp, cộng phòng ăn và khu vệ sinh cho các cháu. Trường mới tuy khang trang hơn nhưng việc sử dụng còn rất nhiều bất cập. Do lớp học mái lợp tôn, tường cũng quây kín bằng tôn nên mỗi khi trời nắng to cả cô, trò đều vã mồ hôi, nóng nực không chịu được. Vào mùa hè, trường không thể tổ chức cho trẻ ngủ trưa tại phòng học theo đúng quy định, 9 - 10 giờ sáng cô giáo phải cho học trò nghỉ về nhà.
Tại điểm trường Khau Dựa cách đó hơn 1 km, cô giáo Nông Thị Nga bức xúc: Trước đây, lớp học cũ tuy không được kiên cố nhưng vẫn dễ thở hơn. Nay có lớp học mới nhưng mái, tường nhà đều bằng tôn nên mỗi khi trời nắng không khác gì "lò sấy". Trẻ ngồi trong lớp học mà mồ hôi chảy ướt đầm cả áo. Cô Nga đề nghị, huyện cần có giải pháp chống nóng cho lớp học như làm trần chống nóng, thay thế tường tôn bằng các vật liệu khác như gỗ, hoặc thậm chí có thể trát bằng đất.
Ông Nông Văn Đâu, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Thông Nông cho biết: Năm 2015, huyện Thông Nông đã đầu tư hơn 12,6 tỷ đồng kiên cố hóa 59 điểm trường mầm non trên địa bàn. Tất cả các điểm trường được xây dựng theo thiết kế mẫu, với 1 phòng học, 1 phòng ăn kết hợp bếp ăn, 1 khu vệ sinh. Trong đó, cả phòng học và phòng ăn đều thiết kế cột thép, xà gồ thép, vì kèo thép, mái lợp tôn, tường quây xung quanh bằng gạch chỉ cao 0,9 m, trên dùng tôn quây kín, nền nhà phòng học được lát gạch men, nền phòng ăn láng vữa xi măng. Đối với một số điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vận chuyển vật liệu khó khăn, chủ đầu tư cho phép đơn vị thi công không xây tường bao cao 0,9 m, thay bằng tôn 100%.
Ông Nguyễn Ngọc Định, Chủ tịch UBND huyện Thông Nông cho biết: Ban đầu, dự án định xây dựng bằng tôn chống nóng, nhưng sau đó do thiếu kinh phí đầu tư (mỗi điểm trường chỉ có 200 triệu đồng) nên đành phải thay bằng tôn nóng. Ở đây có cả lỗi ở khâu khảo sát thiết kế quá kém nên không tính được độ nóng của công trình. Sau khi có ý kiến của giáo viên và người dân, UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục bằng cách huy động các nguồn vốn và một phần kinh phí xã hội hóa để làm trần chống nóng, mở thêm nhiều cửa sổ thông gió cho các phòng học này. Thời gian tới, khi triển khai các công trình xây dựng, huyện sẽ rút kinh nghiệm để cho công trình phù hợp hơn với mục đích sử dụng.