Chính sách cử tuyển học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cơ hội tốt để đào tạo nguồn cán bộ, trí thức có trình độ chuyên môn cao cho địa phương. Tuy nhiên, việc xét cử tuyển ở các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, có một số nơi không đúng đối tượng.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Sử, Địa (Đại học Quảng Nam) tháng 6/2014, cô giáo Hiên Tham (SN 1992 - người dân tộc Ta Riêng) đã tình nguyện lên xã biên giới vùng núi Axan, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) để dạy học tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Công tác tuyển sinh chưa gắn với quy hoạchĐề nghị các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh có huyện giáp với Tây Nguyên phải thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh, cử tuyển phải gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương giáp Tây Nguyên.
Thực tế, lâu nay các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương giáp Tây Nguyên công tác tuyển sinh chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, nhu cầu cán bộ… dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp vẫn không tìm được việc làm. Đây là khó khăn lớn cho các địa phương. Việc này cần sớm khắc phục, nếu không sẽ tạo sự ùn tắc cho những năm tiếp theo vừa gây lãng phí nguồn nhân lực, vừa không phát huy tính ưu việt của chính sách này (Nghị định 134 của Chính phủ)…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ cử tuyểnĐể thực hiện tốt chính sách cử tuyển, trong những năm tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển, lấy lại lòng tin của bà con. Hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và học sinh, sinh viên hệ cử tuyển trong các trường đại học, cao đăng, trung cấp.
Để tránh thiệt thòi cho các trường bị thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh khi sinh viên hệ cử tuyển tập trung đăng ký nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để tách chỉ tiêu hệ này ra khỏi tổng chỉ tiêu chung của trường. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển cho các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người. Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch đào tạo, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng; chuyển hướng tăng dần đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề.
Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyểnQuảng Nam sẽ cơ bản tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển trong năm 2015 (trừ trường hợp một số ngành mà cấp huyện cảm thấy rất cần thiết phải đào tạo nhằm phục vụ sự phát triển của địa phương). Lý do là hình thức đào tạo cán bộ này cho khu vực miền núi đang bộc lộ nhiều bất cập như: Số học sinh sau khi được đào tạo chưa bố trí được vị trí công tác phù hợp còn nhiều, chất lượng học sinh cử tuyển thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hoặc thay đổi ngành học còn cao.
Trong 8 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã cử đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển được 1.372 học sinh; trong đó đã tốt nghiệp 408 người, 759 học sinh đang theo học và 205 học sinh đã bỏ học. Trong số học sinh đã tốt nghiệp có 264 học sinh đã được phân công công việc, còn lại 144 học sinh vẫn chưa được phân công công tác. Chính vì vậy, việc cơ bản tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển sẽ giúp tỉnh Quảng Nam sắp xếp lại việc bố trí sử dụng cán bộ, thực hiện tinh giản bộ máy hành chính tại các huyện miền núi của tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện miền núi phải tập trung nguồn lực, xây dựng phương án giải quyết việc sử dụng 144 người diện cử tuyển đã tốt nghiệp trước tháng 2/2015. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ động liên hệ với các trường đại học, cao đẳng đang nhận đào tạo học sinh cử tuyển của tỉnh để nắm chắc thông tin về kết quả học tập, quá trình phấn đấu tu dưỡng rèn luyện của học sinh. Bắt đầu từ năm nay, tỉnh sẽ áp dụng nghiêm chế tài xử phạt đối với các học sinh diện cử tuyển vi phạm các quy định tự ý bỏ học.
Từ năm 2007 đến nay, sự phát triển nguồn nhân lực là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rõ nét với khoảng 5.000 học sinh đã tốt nghiệp hoặc đang theo học đại học, cao đẳng thông qua hình thức thi đỗ, xét tuyển thẳng, dự bị đại học dân tộc và cử tuyển. Do đó, việc tạm dừng này còn giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để học sinh người dân tộc có trình độ thực sự không thuộc diện cử tuyển có cơ hội thi tuyển vào những vị trí mà các địa phương đang thiếu.
Trong giai đoạn 2008 - 2014, tỉnh Quảng Nam đã chi gần 67 tỷ đồng kinh phí đào tạo theo chế độ cử tuyển, góp phần quan trọng vào phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở khu vực miền núi. Tuy nhiên với những bất cập đang bộc lộ thì việc cơ bản tạm dừng đào tạo theo chế độ cử tuyển là cần thiết.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai: Rèn tay nghề bác sĩ cử tuyểnTrong số 600 bác sĩ cử tuyển được đào tạo cho các tỉnh Tây Nguyên theo đề án từ năm 2003 - 2015, đến nay đã có 104 bác sĩ tốt nghiệp, ra trường và được phân về các địa phương công tác. Điều đáng mừng, là kết quả rà soát đánh giá từ cơ sở y tế nơi các bác sĩ này nhận nhiệm vụ cho thấy tất cả bác sĩ đều có năng lực tốt, đảm đương tốt công việc, đạt mức lao động chuyên môn từ khá trở lên.
Tỉnh Gia Lai đã quản lý chặt từ khâu đào tạo đến bố trí công tác cho bác sĩ diện cử tuyển. Dù không có chuyện phân biệt trình độ, đối tượng đào tạo nhưng hầu hết bác sĩ cử tuyển đều được phân về các trung tâm y tế, đảm đương công việc tương đối nhẹ nhàng, ít phức tạp. Tùy năng lực chuyên môn, những bác sĩ bộc lộ được khả năng y khoa sẽ được tiếp tục đào tạo và phục vụ như bác sĩ giỏi được đào tạo chính quy.
Quang Huy - V.Tôn - Đỗ Trưởng