Đây là một hoạt động quan trọng của ngành giáo dục hai nước để chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam.
Tham dự sự kiện có ông Phout Simmalavong, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; ông Sisouk Vongvichith, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các sở ban, ngành, trường đại học của Lào, 50 cơ sở giáo dục đại học và 55 đơn vị giới thiệu thông tin trong cuốn tài liệu du học Việt Nam, cùng đông đảo thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết mục đích của việc tổ chức diễn đàn là nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian qua, tìm ra phương thức hợp tác mới hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào tại Việt Nam nói riêng và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung. Ông nhấn mạnh đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, các doanh nghiệp Việt Nam và Lào có cơ hội chia sẻ những thành tựu đã đạt được, từ đó có những đề xuất, kiến nghị hay những vấn đề cụ thể cần được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học của hai nước. Thông qua đó, không chỉ giúp các cơ sở giáo dục hai nước xác định được giải pháp và cụ thể hóa các hoạt động để nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà còn giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Lào chủ động trong việc thu hút sinh viên.
Diễn đàn đã điểm lại thực trạng trong công tác đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam giai đoạn 2011-2021, về tổng thể Việt Nam đã tiếp nhận gần 30.000 lưu học sinh Lào các diện Hiệp định và ngoài Hiệp định với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người, diện các tỉnh kết nghĩa của Việt Nam tài trợ trên 10.000 người và 15.000 người theo diện tự túc và diện khác. Trung bình lưu học sinh Lào tại Việt Nam luôn duy trì bình quân trên 14.000 người, đông nhất là năm 2019 với trên 16.600 lưu học sinh.
Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, trong giai đoạn 2011-2020 ngành giáo dục Việt Nam đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 1.196 cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào thông qua 44 đợt/khóa tập huấn đa phần tại Việt Nam với thời gian từ 2 đến 9 tháng. Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam cũng đã giúp Lào đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Nhiều cán bộ trưởng thành trong thực tiễn phát triển của Cách mạng Lào, sau khi học tập, bồi dưỡng tại Việt Nam, đã trở thành những lãnh đạo chủ chốt của nhiều địa phương trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và các nhà kinh doanh dịch vụ nổi tiếng của Lào.
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, hướng tới mục tiêu đào tạo trọng tâm, trọng điểm và đào tạo tinh hoa, tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Giáo dục hai nước thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”. Đề án đã đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào giai đoạn 2021-2030.
Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai Bộ cùng toàn thể đại biểu hai nước, 24 Bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Lào đã được trao đổi.
Cũng trong sáng 29/9 tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tổ chức Triển lãm Giáo dục Việt Nam - Lào 2022.
Tại triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu giới thiệu với học sinh, sinh viên Lào nền giáo dục đại học tiên tiến và ngày càng phát triển của Việt Nam, triển lãm là cơ hội để học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo quốc tế của Lào tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội học bổng cũng như cơ hội hợp tác với các trường đại học của Việt Nam. Triển lãm có 38 gian hàng, trong đó có các gian hàng của 34 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, 1 gian hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 gian hàng của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, 1 gian hàng của trường Đại học Quốc gia Lào và 1 gian hàng của Nhà xuất bản giáo dục Lào.
Tại các gian hàng trưng bày, khách tham quan có thể tìm hiểu các chương trình đào tạo, cơ hội học tập cũng như các chương trình học bổng. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục của Việt Nam giới thiệu các chương trình đào tạo đại học, sau đại học, trao đổi sinh viên, giảng viên và các giải pháp công nghệ tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực đào tạo để thu hút sinh viên Lào đến Việt Nam học tập.