Trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực trọng tâm, được ưu tiên thực hiện. Đặc biệt, chủ trương xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh càng đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiên phong trong chuyển đổi số.
Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết về chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh với một số kết quả đạt được và định hướng, giải pháp được tập trung trong thời gian tới.
Bài 1: Tiên phong trong chuyển đổi số
Với vai trò cung cấp nhân lực chất lượng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin từ hoạt động quản lý đến dạy và học. Thực tế, chuyển đổi số trong giáo dục đã được nhiều cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh từng bước thực hiện với những mức độ khác nhau.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đang được nhiều trường đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị nhà trường.
Tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức), hầu hết các thủ tục hành chính, quản trị nhà trường đều đã được số hóa và thực hiện trên các ứng dụng, trang web. Học sinh, cựu học sinh của trường có nhu cầu trong bất kỳ hoạt động quản lý nào, như cấp lại văn bằng, chứng chỉ, chuyển ban… có thể gửi yêu cầu theo mẫu trên trang web, ứng dụng mà không cần đến trực tiếp. Công tác quản lý học sinh, kết nối phụ huynh được thực hiện thông qua các phần mềm, ứng dụng điện tử. Thực hiện chủ trương chung, phần lớn học sinh thực hiện đóng học phí không dùng tiền mặt, qua các kênh thanh toán khác nhau.
Được triển khai thử nghiệm từ năm 2018 tại thành phố, mô hình quản lý "Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt" đã mang lại kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà trường. Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) là một trong hai đơn vị đầu tiên được đầu tư trang thiết bị để thực hiện thí điểm mô hình này từ năm học 2018 - 2019. Toàn bộ học sinh và giáo viên của trường được cung cấp thẻ đa năng để sử dụng cho các hoạt động của nhà trường. Thẻ này được tích hợp đa chức năng, từ thu học phí không dùng tiền mặt, ứng dụng tương tác học đường, quản lý xe đưa đón học sinh, đến điểm danh quản lý học sinh, giáo viên tự động. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Gia Thiều Nguyễn Xuân Ðắc, thông qua ứng dụng công nghệ thông minh, chỉ với việc chạm thẻ vào thiết bị đã giúp công tác quản lý nhà trường dễ dàng, hiệu quả hơn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tuyển sinh đầu cấp đã được nhiều địa phương đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho phụ huynh cũng như các trường trong công tác tuyển sinh. Tại quận Gò Vấp, với hiệu quả đã đạt được từ thực tế, trong năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến tiếp tục được duy trì.
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, hình thức tuyển sinh trực tuyến các lớp đầu cấp đã được quận triển khai từ đợt tuyển sinh năm học trước. Giải pháp này vừa giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngành, bảo đảm tính công khai minh bạch trong tuyển sinh.
Tạo môi trường học tập mở
Đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời là điều cần thiết. Trong đó, tại nhiều trường phổ thông cũng như đại học, việc học tập không chỉ gói gọn trong môi trường giảng đường mà được “mở” ở nhiều không gian, thời gian, đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Hệ thống giáo dục mở này góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ hiện nay, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) cho biết, hoạt động dạy và học tại nhà trường cùng dần được chuyển đổi để phù hợp với thực tế. Bên cạnh dạy học chính khóa trên lớp, giáo viên sử dụng kết hợp các kênh trực tuyến để hỗ trợ cho việc dạy học đạt hiệu quả tốt hơn. Học sinh và giáo viên có thể trao đổi về bài học mọi lúc, mọi nơi thông qua hình thức trực tuyến hoặc thông qua các video bài giảng. Hiện, phần lớn giáo viên của trường đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học.
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân đang đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực hành chuyên sâu. Từng bộ môn có phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị và mở cửa cho học sinh tự học mọi lúc. Cùng với sử dụng kho dữ liệu chung đã được ngành Giáo dục thẩm định, trường đã xây dựng kho dữ liệu là video các bài học, thí nghiệm để học sinh trong trường học tập, tham khảo.
Là một trong 5 trường được thành phố lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình trường học thông minh, nhiều năm nay, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) đã có nhiều bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, đến nay, trường đã đầu tư phủ sóng wifi để học sinh, giáo viên thuận tiện khi sử dụng các thiết bị thông minh trong dạy và học; hình thức kiểm tra, đánh giá cũng đổi mới. Từ học kỳ II năm học 2020-2021, Nhà trường đã chính thức triển khai kiểm tra trên máy tính ở tất cả môn thi trắc nghiệm. Bên cạnh bồi dưỡng về chuyên môn, Nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động học tập nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học đảm bảo ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học.
Với môi trường học tập mở, việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng hơn đối với mọi người dân. Đầu năm 2021, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt hệ thống VMOOCs, cung cấp khóa học trực tuyến, miễn phí cho cộng đồng. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập tiên phong triển khai mô hình này.
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống đã cung cấp hơn 40 khóa học miễn phí cho mọi người dân có nhu cầu học tập để nâng cao kiến thức phục vụ công việc, đời sống. Nội dung các khóa học ở ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Người học chỉ cần có thiết bị kết nối Internet là có thể chủ động học ở mọi lúc, mọi nơi, học đa ngành, đa kỹ năng.
Nhìn nhận về vai trò của ngành giáo dục trong thực hiện chuyển đổi số, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục phải là ngành tiên phong trong chuyển đổi số. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã sớm ban hành khung kiến trúc tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông của ngành, tạo cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số. Một trong những biện pháp mà ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đang tích cực triển khai là xây dựng hệ thống tài nguyên số, khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành. Đây là điều kiện quan trọng tạo môi trường học tập mở, giúp học sinh tự học, tự nghiên cứu, là điều kiện quan trọng để xây dựng xã hội học tập, hướng đến học tập suốt đời.
Bài 2: Chú trọng đào tạo nhân lực