PV: Đầu năm học mới, ở một số địa phương đã xảy ra mưa bão gây thiệt hại về trường lớp, cơ sở vật chất, cụ thể như ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngành Giáo dục đã có những hỗ trợ, động viên như thế nào để các địa phương khắc phục hậu quả và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới?
Trước hết, cho tôi gửi lời chia sẻ về những khó khăn, mất mát của các thầy cô giáo và các em học sinh ở các vùng vừa bị thiên tai vừa qua. Mới đây, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã tới thăm, động viên thầy trò vùng lũ huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa - đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương rà soát, đảm bảo các chính sách cho học sinh; chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh đến trường theo đúng thời gian quy định và huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thêm các trang thiết bị, quần áo, sách vở, đặc biệt là sách giáo khoa, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các em đến trường.
PV: Năm học 2019 - 2020 là một năm học rất quan trọng với nhiều kỳ vọng đổi mới nhưng cũng không ít thách thức đặt ra. Thứ trưởng có lưu ý gì với các địa phương để có thể hoàn thành được nhiệm vụ năm học?
Năm học 2019 - 2020 là năm rất quan trọng với ngành Giáo dục, năm chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, cũng là năm học thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để thực hiện tốt được những nhiệm vụ này, tôi muốn lưu ý với các địa phương 5 nội dung.
Thứ nhất, cần rà soát, sắp xếp, dồn dịch trường lớp, thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển trường lớp đảm bảo có đủ học sinh và chỗ học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng, trong đó chú trọng bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần thực hiện trong năm học này.
Thứ ba là tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là mua sắm các thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu phục vụ cho thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 1 từ năm học tới.
Thứ tư là đổi mới chương trình phổ thông, cả nước thực hiện theo một chương trình thống nhất và mỗi môn học có thể có một số cuốn sách giáo khoa. Theo Luật Giáo dục 2019, quyền quyết định chọn sách giáo khoa là do UBND các tỉnh, tôi cũng đề nghị UBND các tỉnh sớm quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa ngay trong năm 2019, làm cơ sở cho các nhà xuất bản có thể xuất bản, in ấn, phát hành đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh.
Thứ năm là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị nhà trường, trong đó chú trọng quản trị chất lượng giáo dục, chú trọng đến các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; đặc biệt là công tác quản trị nhà trường phải đổi mới theo hướng phân cấp mạnh, tự chủ và trách nhiệm giải trình.
PV: Trong năm học 2019 - 2020, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là gì, thưa Thứ trưởng?
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, các địa phương tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển trường học, đảm bảo dành quỹ đất cho xây dựng trường lớp, nhất là trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, dồn dịch trường lớp như hiện nay. Các địa phương phải quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, nhất là đối với bậc học mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hai là sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để tình trạng thừa thiếu cục bộ, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng nhiều năm chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Ba là tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó giáo dục nhà trường đóng vai trò định hướng. Phòng chống bạo lực học đường, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy trong trường học. Làm rõ mục tiêu, trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò.
Bốn là tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã đưa ra ngân sách nhà nước đảm bảo tối thiểu 20% cho giáo dục.
Cuối cùng là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học và các trình độ đào tạo; đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh phân cấp, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục.
PV: Đối với riêng cấp Tiểu học sẽ ưu tiên những giải pháp gì cho năm học này để đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học sang năm?
Đối với cấp tiểu học, năm học này sẽ là năm bản lề thực hiện việc đổi mới bắt đầu từ lớp 1, cho nên đây là năm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để các thầy cô giáo, các nhà trường không bị bất ngờ khi thực hiện chương trình mới vào sang năm.
Bộ GD&ĐT đã chủ động tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về việc chỉ đạo các địa phương, các bộ, ngành tham gia triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, đầu tiên vẫn là sắp xếp mạng lưới trường lớp đảm bảo một cách hợp lý, đủ chỗ học và tạo điều kiện cho học sinh được học 2 buổi/ngày. Các địa phương cũng cần tăng cường ngân sách cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, tạo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, phải chú trọng có đủ giáo viên, đặc biệt giáo viên phải được bồi dưỡng để triển khai được chương trình mới. Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán để đội ngũ này về bồi dưỡng đại trà cho giáo viên ở các địa phương. Trong năm nay sẽ tập trung bồi dưỡng để 100% giáo viên dạy lớp 1 có thể sẵn sàng dạy được chương trình mới.
Chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa trước hết cho lớp 1, đồng thời ban hành Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp.
PV: Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục, lâu dài và không ít khó khăn, quá trình đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Có ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục đang đơn độc trong quá trình đổi mới, Thứ trưởng có đồng tình với ý kiến này?
Đổi mới dù ở lĩnh vực nào cũng là quá trình khó khăn và đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, đổi mới giáo dục còn khó khăn hơn vì tác động trực tiếp đến con người và không được phép mắc sai lầm. Vì vậy, quá trình đổi mới giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, góp ý, phản biện của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế ngành Giáo dục chưa bao giờ đơn độc trên con đường đổi mới.
Nhân dịp này, cho tôi thay mặt ngành Giáo dục bày tỏ sự cảm ơn tới các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và nhân dân cả nước đã luôn luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành với ngành Giáo dục trong quá trình đổi mới nhiều khó khăn và thách thức.
Thời gian tới, ngành Giáo dục mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của toàn xã hội với sự nghiệp đổi mới, chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội, đổi mới giáo dục mới đi đến thành công.
PV: Năm học 2019 - 2020 là năm thứ 5 ngày khai giảng được tổ chức đồng loạt trên cả nước với tinh thần đơn giản, gọn nhẹ nhưng thiết thực, ý nghĩa, thực sự là ngày vui của học sinh. Một năm mới bắt đầu với nhiều niềm vui và kỳ vọng, Thứ trưởng có gửi gắm thông điệp gì tới toàn thể giáo viên và học sinh trong cả nước?
Năm học 2019 - 2020 có thể nói là năm học rất quan trọng, tôi mong muốn các thầy cô giáo chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, năng lực để triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và tích cực tự học, từ bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, rèn luyện chuyên môn để sẵn sàng thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021.
Các thầy cô giáo cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tự học và sáng tạo, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện được yêu cầu "thầy ra thầy”. Tôi mong các em học sinh được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, thuận lợi để phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực, các em cần cố gắng rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập tốt, thực hiện được yêu cầu là “trò ra trò”.
Toàn ngành giáo dục cùng phấn đấu để xây dựng một nền giáo dục trung thực và có chất lượng, thực hiện được mục tiêu như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với ngành Giáo dục vào ngày 8/10/1981 là “phải xây dựng được trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!