Không đọc báo cáo trong khai giảng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 – 2020 cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục mầm non có 5.517.000 trẻ; Giáo dục phổ thông có 17.055.000 học sinh; Đại học là 1.518.986 sinh viên.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019 - 2020 thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 5/9/2019. Chương trình khai giảng có các nghi thức: Đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường.
Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đây là năm học rất quan trọng, các thầy cô giáo chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, năng lực để triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và tích cực tự học, từ bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, rèn luyện chuyên môn để sẵn sàng thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021. Các thầy cô giáo cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tự học và sáng tạo, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện được yêu cầu "thầy ra thầy”.
Đây là năm chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, cũng là năm học thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Là năm học bản lề
Ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Một trong những trọng tâm trong năm học này là giáo dục bậc tiểu học với 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tạo bước vững chắc cho đổi mới về sau. Nhóm nhiệm vụ thứ hai là chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để triển khai các chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhóm nhiệm vụ thứ ba đảm bảo môi trường an toàn trường học, đội ngũ giáo viên phải gương mẫu, tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện được hết tâm huyết của mình, giảm áp lực cho giáo viên. Việc kiểm tra giám sát các cơ sở để chỉ đạo dứt điểm ngay các cơ sở chưa thực hiện đúng để làm sao giảm áp lực cho giáo viên.
Việc tập huấn giáo viên được Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch 263, trong đó có bốn đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng. Đó là, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở, phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng; Tổ trưởng chuyên môn; Giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 theo lộ trình. Trong năm nay Bộ chỉ đạo hoàn tất việc tập huấn cho lãnh đạo cấp Sở cấp phòng, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và yêu cầu nhà trường lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm 2020 - 2021. Để khi triển khai tập huấn, đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cho năm sau sẽ được ưu tiên. 100% đội ngũ giáo viên này phải được tập huấn trước khi thực hiện chương trình.
Ông Thái Văn Tài cho biết: Về văn bản chuyên môn, trong thẩm quyền của Bộ, các văn bản như thông tư lựa chọn sách giáo khoa sẽ được Bộ ban hành trong năm nay. Các điều lệ trường học sẽ được các vụ chức năng tham mưu phù hợp với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ví dụ Vụ tiểu học trình Thứ trưởng ký hướng dẫn dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục địa phương, giáo dục địa phương... Từ đó, các địa phương phân tích thực trạng của mình, làm căn cứ pháp lý tham mưu các UBND các cấp chính quyền xây dựng tổng thể triển khai. Dự kiến, tháng 10 sẽ thông qua sách giáo khoa.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương 5 nội dung trong năm học này.
Thứ nhất, cần rà soát, sắp xếp, dồn dịch trường lớp, thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển trường lớp đảm bảo có đủ học sinh và chỗ học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng, trong đó chú trọng bố trí đủ kinh phí cho việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần thực hiện trong năm học này.
Thứ ba là tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là mua sắm các thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu phục vụ cho thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 1 từ năm học tới.
Thứ tư là đổi mới chương trình phổ thông, cả nước thực hiện theo một chương trình thống nhất và mỗi môn học có thể có một số cuốn sách giáo khoa. Theo Luật Giáo dục 2019, quyền quyết định chọn sách giáo khoa là do UBND các tỉnh, tôi cũng đề nghị UBND các tỉnh sớm quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa ngay trong năm 2019, làm cơ sở cho các nhà xuất bản có thể xuất bản, in ấn, phát hành đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh.
Thứ năm là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị nhà trường, trong đó chú trọng quản trị chất lượng giáo dục, chú trọng đến các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; đặc biệt là công tác quản trị nhà trường phải đổi mới theo hướng phân cấp mạnh, tự chủ và trách nhiệm giải trình.