Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Thí sinh dễ dàng đạt điểm 7 ở môn thi Ngữ văn

Sáng 27/6, kết thúc thời gian làm bài 120 phút của môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm vì "trúng tủ" với bài Đất nước.

Tại điểm thi Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), thí sinh Phương Trâm phấn khởi nói: "Đề thi Ngữ văn khá dễ, nằm chủ yếu trong phần ôn tập. Em ôn thi phần đoạn trích Đất nước rất kỹ, hôm nay ra trúng bài này luôn. Em nghĩ mình có thể làm được 7 điểm".

Chú thích ảnh
Thí sinh phấn khởi sau khi làm bài thi môn Ngữ văn.

Còn tại điểm thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), thí sinh Thanh Hiền vui mừng cho biết em không tập trung ôn môn Ngữ văn nhiều vì chỉ thi để xét tốt nghiệp. "Buổi sáng lúc vào phòng thi em cũng lo lắng lắm, sợ đề thi khó nhưng khi nhận đề thi thấy đề bài về "Đất nước", em thấy nhẹ hẳn người. Đất nước là bài em tập trung ôn nhiều nhất. Trước lúc vào phòng thi em cũng tranh thủ ôn lại bài này. Trong các môn thi, em lo nhất là Ngữ văn nhưng may quá em lại 'trúng tủ' môn này", thí sinh Thanh Hiền chia sẻ.

Tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) nhiều thí sinh rất phấn khởi vì "trúng tủ" bài Đất nước. Thí sinh Lê Ngọc Hân phấn khởi chia sẻ: "Đề thi Văn năm nay vừa sức, không quá dài với em và em cũng 'trúng tủ' nên làm bài khá tốt". 

Đánh giá về đề thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các giáo viên cho rằng, đề thi năm nay giữ ổn định cấu trúc so với năm ngoái, khá nhiều thí sinh “trúng tủ”, tuy nhiên có xuất hiện nhiều điểm cao hay không là một vấn đề khác bởi đề có một số điểm đổi mới đáng chú ý.

Chú thích ảnh
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Gia Định.

Đánh giá tổng thể về đề thi Ngữ văn, thầy Đức Anh, giáo viên Văn trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho rằng, đề thi không khó và phù hợp để xét tốt nghiệp THPT, tuy nhiên đề thi không có yếu tố bất ngờ. Về cơ bản cấu trúc và cách hỏi tương tự như mọi năm. Theo đó, với các thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài thì có thể dễ dàng đạt 7 điểm trở lên.

Phân tích từng phần của đề thi, thầy Đức Anh cho biết: Ở phần đọc hiểu là một văn bản xuôi, ngữ liệu trong văn bản có độ dài vừa vặn, diễn đạt dễ hiểu vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giái trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.

Bốn câu hỏi của phần đọc hiểu tương đối dễ, học sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối ở phần này nếu bài làm bài kỹ lưỡng. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc kiểu chống điểm liệt, thí sinh chỉ cần chép từ văn bản ra là có điểm; câu 3 và câu 4 thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân.

“Tôi đánh giá cao và khá thích đề đọc hiểu. Các câu hỏi không bị cũ kỹ và không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt, ngữ pháp như mọi năm. Câu số 4 có độ mở cho thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng của bản thân”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Còn ở phần làm văn, câu 1 nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Theo thầy Đức Anh, vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải với học sinh và phù hợp tâm lý lứa tuổi mới lớn đang muốn khẳng định mình. Đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi, dễ hiểu. Với những thí sinh có kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý.

Câu 2 nghị luận văn học gọi tên tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đây làm một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện trong đề thi nhiều nhất trong 10 năm. Do đó, tác phẩm này có lẽ đã nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh nên khi phát đề thí sinh không quá bất ngờ mà tỏ ra bình thản khi nhận đề thi.

“Đoạn thơ không quá dài nhưng khi phân tích thì lại có nhiều vấn đề gợi mở nhiều luận điểm, nhiều yêu cầu phân tích nên đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài mới làm kịp thời gian, bởi nếu không biết phân tích theo luận điểm, nhiều thí sinh sẽ rơi vào tình trạng phân tích dàn trải tất cả các câu thơ thì sẽ thiếu thời gian làm bài”, thây Đức Anh phân tích.

Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn có một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích. Phần này thuộc phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng.

14 giờ chiều nay (27/6) thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút theo hình thức trắc nghiệm. 

Sau đây là hình ảnh các thí sinh trước và sau khi làm bài thi Ngữ văn: 

Chú thích ảnh
Sát giờ vào phòng thi, nhiều thí sinh vẫn tranh thủ xem lại bài. 
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Thí sinh căng thẳng, hồi hộp khi vào phòng thi.
Chú thích ảnh
Kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh phấn khởi vì "trúng tủ".
Chú thích ảnh
Tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3), nhiều thí sinh cũng phấn khởi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Chú thích ảnh
Phụ huynh cũng thấp thỏm, lo lắng khi chờ đợi con trước cổng điểm thi.
Chú thích ảnh
Phụ huynh vui mừng vì biết con làm bài môn thi đầu tiên khá tốt. 

  

Nhóm phóng viên/Báo Tin tức
Gợi ý làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn
Gợi ý làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn

Báo Tin tức giới thiệu gợi ý của tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI về cách làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN