Sinh năm 1984, gần 10 năm dạy lịch sử, thầy giáo Lê Văn Cường - Trường THPT Cảm Ân (thôn Đoàn Kết, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lúc nào cũng trăn trở, suy nghĩ để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả môn lịch sử, mang những kiến thức lịch sử đến gần hơn với học sinh và người đọc.
Những câu chuyện lịch sử được truyền tải bằng thể thơ truyền thống của dân tộc đã tạo hứng thú cho học sinh và người đọc trong việc tiếp thu kiến thức lịch sử. Cuốn Đại cương thế giới sử thi được viết bằng thơ lục bát ra đời sau những trăn trở với nghề, với bộ môn lịch sử của người thầy giáo trẻ giàu tâm huyết, dài 3.456 câu lục bát. Tác phẩm với lượng kiến thức đồ sộ nhưng được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển nên đã khéo léo đưa tới cho độc giả góc nhìn mới về những sự kiện lịch sử, một cách mộc mạc và gần gũi.
Thầy Lê Văn Cường đang nghiên cứu tài liệu để gấp rút hoàn thành hai bản thảo hai cuốn thơ lục bát về lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái. |
Cuốn sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2016, đã tái hiện lịch sử thế giới từ nguyên thủy đến hiện đại bằng thơ, trong đó có cập nhật các kiến thức lịch sử, các sự kiện đến năm 2015. Ngay sau khi ra đời, cuốn sách này đã được đông đảo độc giả đón nhận, đánh giá cao bởi phương pháp truyền tải kiến thức lịch sử mới, nhiều sáng tạo, đưa lịch sử đến gần hơn với đời sống.
Thầy Cường chia sẻ, môn lịch sử đang đứng trước một thực tế ngày càng ít được học sinh quan tâm, coi là môn học phụ. Bằng chứng là điểm thi môn lịch sử của học sinh những năm gần đây thấp, tỉ lệ học sinh lựa chọn môn lịch sử để thi giảm mạnh, những nhầm lẫn tai hại “cười ra nước mắt” trong các bài thi lịch sử đã gióng lên hồi chuông cảnh báo việc nhiều học sinh dù được học nhiều năm nhưng không nắm được các kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà. Một trong những nguyên nhân chính là do phương pháp dạy và học môn lịch sử.
Cách dạy và học môn lịch sử truyền thống ở nhà trường bị động, nặng nề với quá nhiều sự kiện và các con số vẫn bị coi là khô khan, nhàm chán, rập khuôn khiến nhiều học sinh thờ ơ, thậm chí “sợ” môn học này. Khác với nhiều thầy cô, những giờ dạy lịch sử của thầy Cường thường được mở đầu bằng những câu thơ lục bát nói về lịch sử, gây ấn tượng và tạo cảm giác nhẹ nhàng, đã giúp cho học sinh hứng thú học bài.
Thầy giáo trẻ Lê Văn Cường cho biết, cuốn sách lịch sử thế giới bằng thơ lục bát này đã tóm tắt khá đầy đủ về lịch trình phát triển của lịch sử thế giới, phác họa những hình ảnh từ thời kì đầu của loài người, từ cổ đại cho đến hiện đại; từ xã hội chưa có giai cấp đến hình thành giai cấp, có cả những kiến thức cập nhật các sự kiện thời sự diễn ra gần đây, trong khi sách lịch sử giáo khoa hầu hết mới chỉ cập nhật đến thời điểm năm 2000. Trong các giờ giảng, hoàn toàn có thể vận dụng các câu lục bát này để tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng cho học sinh khi tiếp nhận kiến thức lịch sử.
Để thực hiện cuốn sách, thầy giáo trẻ Lê Văn Cường đã phải bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu, chuyển từ ngôn ngữ lịch sử vốn mang văn phong khoa học, khô khan sang ngôn ngữ văn chương vốn đòi hỏi nhiều cảm xúc, sự uyển chuyển, vần điệu. Gần 3.500 câu lục bát, trong đó truyền tải nhiều kiến thức lịch sử với những trận đánh, nhân vật, với nhiều tên riêng nước ngoài, phải dung hòa trong vần điệu của thể thơ dân tộc vốn đặc trưng bởi sự mềm mại của tiếng Việt là thách thức không nhỏ đối với người thầy giáo trẻ. Bằng niềm đam mê, sức sáng tạo và tình yêu với văn chương và lịch sử, thầy Cường đã vượt qua nhiều khó khăn để thành công với cuốn sách này. Ghi nhận sự sáng tạo công phu của cuốn sách, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam về “Người viết tác phẩm diễn ca lịch sử thế giới bằng thơ lục bát dài nhất” cho thầy giáo Lê Văn Cường.
Không chỉ dừng lại ở lịch sử thế giới, thầy Lê Văn Cường đang hoàn tất bản thảo lịch sử bằng thơ đối với lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái. Thầy Cường chia sẻ, cuốn lịch sử Việt Nam bằng thơ sẽ có dung lượng lớn gấp 10 lần cuốn Đại cương thế giới sử thi và đã hoàn thành bản thảo. Lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái bằng thơ cũng đang được hoàn thiện nhằm giúp cho đồng nghiệp dạy lịch sử và các em học sinh tiếp cận dễ dàng, khái quát nhất những sự kiện, kiến thức lịch sử trong những giờ học về lịch sử địa phương vốn lâu nay tẻ nhạt, mang tính hình thức.
Với nhiều tâm huyết, sự dày công trong tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt là niềm đam mê và sáng tạo không ngừng, thầy Cường đã xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và những kiến thức lịch sử khô khan. Người thầy giáo trẻ tuổi ấy chỉ có mong muốn rằng, cuốn Đại cương thế giới sử thi nói riêng, các cuốn lịch sử bằng thơ lục bát nói chung, về lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái xuất bản tới đây sẽ được quan tâm để có thể trở thành tài liệu tham khảo môn lịch sử, được phổ biến rộng rãi hơn, được sử dụng trong công tác giáo dục, mang kiến thức lịch sử đến được đông đảo với học sinh và bạn đọc, đặc biệt là học sinh nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những nơi học sinh ít có điều kiện để tiếp cận kiến thức, thông tin.