Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Sau khi Nghị định 116 được ban hành, những năm gần đây, số lượng thí sinh và phụ huynh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh so với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác. Qua đó chứng tỏ, các chính sách của Nghị định 116 đã tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 cũng còn những khó khăn, vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; việc phân bổ giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn.
Theo thống kê qua 3 năm triển khai, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, được ngân sách nhà nước cấp chiếm 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: Từ kết quả trên cho thấy, phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên chưa được triển khai ở mức độ hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116. Hiện có 6 cơ sở đào tạo giáo viên đã được các địa phương sở tại và lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó, có 2 trường trọng điểm là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh 51 chỉ tiêu), ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc, gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Đối với việc phân bổ, giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, hằng năm (năm 2021,2022,2023), Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm thường chậm và phải xin bổ sung so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và và sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, cân đối thu – chi ngân sách giữa các địa phương dẫn đến nhiều nơi khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.
Ngoài ra, một trong những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại là việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn. Tại Nghị định 116 giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, đồng thời các địa phương không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn nên gây khó khăn cho việc thực hiện.
Trước thực trạng trên, năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghị các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ để triển khai hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Các địa phương, cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để đảm bảo sinh viên sư phạm được chi trả kinh phí theo đúng quy định, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.