Thành phố lớn đề xuất cơ chế đặc thù xây dựng trường học

Chiều 18/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cho phép đô thị đông dân cư có cách tính xây dựng trường học mới.  

Chú thích ảnh
Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TĐ

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.

Hiện nay, Hà Nội đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Trong khi đó, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất, do đó, UBND kiến nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố xây dựng trường học áp dụng tiêu chí tính diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh nhằm đáp ứng chuẩn xây dựng trường học mới. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Cùng quan điểm này, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang gặp khó khăn trong chính sách diện tích đất bình quân tối thiểu trong lĩnh vực giáo dục ở những khu vực đông dân và mật độ dân số rất cao. Nhiều trường học cũ ở TP Hồ Chí Minh khi thực hiện theo chuẩn mới theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD&ĐT có tình trạng số lượng lớp học bị giảm sút nghiêm trọng, học sinh không có chỗ để học. Từ đó, buộc các trường phải tăng số học sinh trên lớp, chia ca học... đảm bảo đủ phòng học cho các em.

UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại cách thức tính quy chuẩn này, phân loại theo các quy chuẩn vùng, theo tính chất vùng, miền cũng như tính chất của các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để có ban hành những quy chuẩn riêng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất tính diện tích theo đầu học sinh không phải diện tích đất mà là diện tích sàn xây dựng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các đô thị lớn thực hiện chỉnh trang trường lớp, phục vụ nhu cầu học sinh. Nếu áp dụng chính sách này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện nay của TP Hồ Chí Minh, từ đó nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học phục vụ cho các em học sinh.

Trước đó, tại cuộc họp tổng kết năm học 2022 - 2023 với Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục Thủ đô cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Trong đó, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị thành phố lưu tâm công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Bởi với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước đây là việc không nên. Giám đốc Sở đã rất quyết tâm nên chắc chắn thực hiện được.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm qua, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông. Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỷ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1 em/lớp, THCS 37,71 em/lớp và THPT là 40,27 em/lớp. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Lê Vân/Báo Tin tức
Tin tức TV: Mở 'cánh cửa hẹp' vào trường THPT công lập ở Thủ đô
Tin tức TV: Mở 'cánh cửa hẹp' vào trường THPT công lập ở Thủ đô

Xấp xỉ 40% học sinh lớp 9 ở Hà Nội không có chỗ trong trường THPT công lập. Phụ huynh nháo nhào tìm trường, xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ nhập học lớp 10 trường tư cho con trong lúc trường tư nâng điểm chuẩn liên tục... Tình cảnh này đã bộc lộ điểm yếu trong quy hoạch trường lớp ở Thủ đô.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN