Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn vẫn tổ chức thu nhiều khoản ngoài danh mục, hoặc thu quá số tiền quy định bằng nhiều hình thức khác nhau, gây nên nhiều ý kiến từ phía phụ huynh.
Tại Trường Trung học Phổ thông Đông Sơn 1 (huyện Đông Sơn- Thanh Hóa), nhiều phụ huynh có con học lớp 11A2 cho biết, con họ phải đóng tiền đầu năm lên đến hơn 10 triệu đồng mỗi em. Danh sách các khoản thu đầu năm được giáo viên chủ nhiệm thông báo gồm 14 đầu mục. Ngoài các khoản theo quy định như bảo hiểm y tế, học phí, nước uống, gửi xe, xuất hiện rất nhiều các khoản thu bất thường khác như: quỹ lớp/hội phụ huynh: 500.000 đồng/em; xã hội hóa: 400.000 đồng/em; quỹ lớp: 100.000 đồng/em; khảo sát học thêm: 360.000 đồng/em; lao động: 30.000 đồng/em; khuyến học (huy động thêm): 212.000 đồng/em....
Đáng chú ý, các khoản thu vừa liệt kê trên đều không thuộc danh mục các khoản nhà trường được phép thu đầu năm học. Riêng khoản thu sổ liên lạc điện tử, HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định, cơ sở đào tạo được thu tối đa 50.000 đồng/học sinh/năm học. Còn tại Trường Trung học phổ thông Đông Sơn 1, mức thu này là 150.000 đồng/học sinh/năm học- cao gấp 3 lần so với quy định.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Thành Khôi, Hiệu phó Trường Trung học Cơ sở Đông Sơn 1 cho biết, tất cả những khoản giáo viên liệt kê nêu trên chỉ là dự kiến thu và nhà trường chưa thu bất cứ khoản nào trong danh sách 14 khoản thu nói trên. Trước khi tổ chức họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đã tổ chức họp toàn bộ giáo viên và quán triệt tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh. 14 khoản thu phụ huynh phản ánh nêu trên chỉ là trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm và đại diện chi hội cha mẹ học sinh. Nhưng do quá trình trao đổi chưa rõ nên dẫn đến sự hiểu lầm. Sau sự việc này, nhà trường sẽ chấn chỉnh lại và thu các khoản theo đúng danh mục HDND tỉnh đã quy định.
Sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, tại Trường Tiểu học Yên Trung (Yên Định, Thanh Hóa) nhiều phụ huynh đã gửi đơn phản ánh về việc, nhà trường thực hiện thu các khoản tiền "bất hợp lý". Theo đó, năm học trước do dịch COVID-19 nên việc sinh hoạt câu lạc bộ và quản lý ngoài giờ (học kỳ II) không dạy đầy đủ. Do đó, nhà trường thông báo chỉ thu 450.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, thực tế nhà trường đã thu 520.000đ/học sinh. Cũng theo đơn thư, nhà trường đã “ép” phụ huynh đóng tiền xã hội hóa để lắp quạt, với số tiền 100.000 đồng/học sinh. Tổng số tiền thu được là 37.150.000 đồng để lắp cho 2 phòng học, mỗi phòng 4 quạt treo tường. Ngoài ra, lắp thêm 32 bóng đèn cho các lớp học, là trái với Khoản 4b Điều 10 của Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, tiền mua áo đồng phục là 90.000 đồng/áo, nhà trường phát cho học sinh từ 31/8, thế nhưng, đến gần hết tháng 9, mới cho học sinh ký tên đăng ký mua áo. Việc này, nhà trường cũng không thông qua phụ huynh, nhưng vẫn yêu cầu phụ huynh học sinh nộp tiền trong tháng 9… Bên cạnh đó, nhà trường “ép” học sinh mua vở ô ly. Học sinh lớp 2 phải mua 8 quyển/em, với số tiền 72.000 đồng; học sinh lớp 3, 4, 5 phải mua 10 quyển, với số tiền 90.000đ, loại vở 60 trang. Nhà trường cũng phát cho học sinh từ 31/8, đến giữa tháng 9 mới cho học sinh ký tên đăng ký mua vở và cũng nộp tiền trong tháng 9…
Trao đổi về vấn đề này, bà Trương Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Trung cho rằng: Những khoản thu sai quy định nêu trên do Ban đại diện cha mẹ học sinh bàn bạc, đưa ra, thống nhất và thu tiền, còn nhà trường chỉ đồng hành.
Được biết, trước mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đều có hướng dẫn thu chi, triển khai xuống các phòng Giáo dục và Đào tạo và đơn vị trường học. Tuy nhiên, thẳng thắng nhìn nhận, tình trạng “lạm thu”- thu không đúng quy định vẫn xảy ra ở một số trường gây dư luận không tốt. Và thu không đúng quy định chủ yếu là ở các khoản thu về xã hội hóa giáo dục.
Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho biết, riêng khoản thu dịch vụ, Nghị quyết HĐND chỉ quy định mức thu tối đa, Sở Giáo dục đã hướng dẫn cụ thể phòng Giáo dục và đào tạo các địa phương để tham mưu cho từng địa bàn. Các cơ sở giáo dục khi xây dựng dự toán thu các khoản dịch vụ này phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và các mức thu đang thực hiện ở năm học trước để xây dựng dự toán chi tiết trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xây dựng dự toán phải công khai, bàn bạc với cha mẹ học sinh, lấy ý kiến cha mẹ học sinh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mới triển khai thực hiện. Đối với các đơn vị trường học có phản ánh thu nhiều khoản ngoài quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiểm tra và đa số các trường mới dự thảo các khoản thu, chưa tổ chức thu. Đối với những trường này, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát việc triển khai thu, chi để có sự chấn chỉnh kịp thời nếu để xảy ra sai phạm...