Tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học... Tuy nhiên, so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả vẫn còn khiêm tốn, còn nhiều thách thức được đặt ra.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho Giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ đại học trong nhà trường; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng... Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, sau hội nghị, thành phố hoàn thiện các báo cáo, bổ sung số liệu để gửi về Ban Chỉ đạo thực hiện tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó quan tâm tới các kiến nghị đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vượt khó, rút ngắn khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để thu dần khoảng cách về chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nói riêng giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục trên toàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia kinh nghiệm” giai đoạn 2022-2025. Với hình thức “trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên”, các trường có chất lượng giáo dục chưa cao có điều kiện tham khảo, học tập kinh nghiệm quản lý và phương pháp giảng dạy của các trường có chất lượng giáo dục tốt hơn…
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, thời gian tới, ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045" theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo; ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành/nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội hiện nay; khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Chú trọng chất lượng giáo dục đại trà
Biểu dương, đánh giá cao những kết quả các đơn vị đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm qua thành phố đã đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này và trong 10 năm tới dự kiến cũng tương tự. Điều đó cho thấy, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, đào tạo nghề. Nhờ đó, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, một số địa phương còn chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết đối với công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế thời gian qua như: công tác phân luồng học sinh học nghề chưa tốt, tư tưởng trọng bằng cấp vẫn còn; việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn. Đặc biệt, "bệnh thành tích" trong giáo dục và đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề khi các địa phương chỉ đề cập đến các học sinh đoạt giải, chưa chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà…
Nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, qua đó các huyện “xích gần hơn” với các quận về công tác này. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này. Từ đó, các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn; tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường để phát triển toàn diện; chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô…
Xây dựng nền giáo dục mở
Theo báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên trình bày, việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của thành phố; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của nhân dân.
Hà Nội đã thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. Thành phố bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Đặc biệt, quy mô giáo dục của thành phố tiếp tục mở rộng và phát triển. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ 3 cấp học. Hà Nội cũng là một trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục như: khoảng cách phát triển, chất lượng giáo dục giữa các trường ở nội đô và các trường ở khu vực ngoại thành còn khá lớn; quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận chưa phù hợp dẫn đến tình trạng thiếu trường học. Một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường...
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen10 tập thể và 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.