Nội dung quy định của Thông tư làm căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; thực hiện nguyên tắc của kiểm định chất lượng giáo dục đã được quy định trong Luật, tăng cường công khai, minh bạch cho xã hội biết và giám sát, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá qua bộ tiêu chuẩn với 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí.
Theo đó, tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản lý (6 tiêu chí). Tiêu chuẩn 2 về đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục (5 tiêu chí). Tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất, trang thiết bị (3 tiêu chí). Tiêu chuẩn 4 về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (7 tiêu chí). Tiêu chuẩn 5 về công khai, minh bạch hoạt động (4 tiêu chí).
Chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 5 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn; chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam theo thời hạn ghi trên quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Quy trình đánh giá gồm: Tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá ở một trong các mức: Chưa đạt, đạt mức 1 hoặc đạt mức 2. Cụ thể, được đánh giá mức chưa đạt nếu tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có từ 1 tiêu chuẩn trở lên đánh giá ở mức chưa đạt; được đánh giá đạt mức 1 khi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt, trong đó còn có tiêu chí được đánh giá ở mức chưa đạt. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt mức 2 khi có tất cả các tiêu chí được đánh giá ở mức đạt.
Kết quả đánh giá và kiến nghị của đoàn đánh giá là cơ sở để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Chính phủ; làm căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến nhằm phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Trường hợp kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chưa đạt: Ngay sau khi có thông báo kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ở mức chưa đạt, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không thực hiện việc ký kết hợp đồng để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho đến khi có văn bản xác nhận đáp ứng đạt mức 1 trở lên của cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc cải tiến chất lượng để bảo đảm đạt mức 1 trở lên và gửi hồ sơ, báo cáo về Bộ (qua Cục Quản lý chất lượng); trên cơ sở đó, Bộ trưởng quyết định thực hiện lại một số bước cần thiết quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này.
Kết quả đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/8/2023.