Hà Nội nỗ lực thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục

Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động tháng 12/2022 giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học trên địa bàn Thủ đô.

Chú thích ảnh
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Việc triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động trong toàn ngành nhằm vận động nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi, có nhiều ưu thế hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các trường, nhà giáo và học sinh địa bàn còn khó khăn hoặc ở nơi chất lượng giáo dục còn hạn chế.

Được giao nhiệm vụ phối hợp với ngành Giáo dục huyện Ứng Hòa, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã lên kế hoạch, bắt đầu từ việc gặp mặt, tham quan cơ sở vật chất, lớp học tại 2 địa bàn. Theo đó, cán bộ quản lý, hiệu trưởng các trường của huyện Ứng Hòa đã đến làm việc với Trường Trung học Cơ sở Tân Mai, Trường Trung học Cơ sở Hoàng Mai của quận Hoàng Mai. Tại đây, thầy cô giáo đã chia sẻ, giao lưu, học tập kinh nghiệm mô hình mới, giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các nhà trường.

Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên đã tập trung trao đổi kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng giáo dục trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ ra vấn đề khó, còn vướng để cùng tìm ra giải pháp trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, để thực hiện một cách hiệu quả, thực chất, trong thời gian triển khai chương trình, ngành Giáo dục quận sẽ tham gia hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, chung tay hỗ trợ cơ sở giáo dục gặp khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất trên địa bàn quận và đơn vị kết nghĩa là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa.

“Chúng tôi sẽ vận động các nhà giáo của quận Hoàng Mai nâng cao trách nhiệm, chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc kết quả học tập còn hạn chế, thực hiện lan tỏa phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa”, bà Phạm Đàm Thục Hạnh chia sẻ.

Theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận sẽ triển khai hoạt động kết nối, chia sẻ, huy động nguồn lực tham gia, hỗ trợ trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn quận và đơn vị kết nghĩa. Cùng với đó là tổ chức các chuyên đề xây dựng trường học “xanh - an toàn - thân thiện”, nâng cao chất lượng dạy và học ở trường tiểu học, trung học cơ sở; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đơn vị trường học thuộc huyện Ứng Hòa để tìm kiếm, học tập giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của đơn vị bạn.

Về phía huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” là giải pháp mới của Sở nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.

“Bên cạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn dạy và học trong nhà trường, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường triển khai thực hiện một số chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn theo từng cấp học; tổ chức làm điểm một số chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng ở các trường mầm non”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm.

Cũng với mong muốn giúp nhau cùng phát triển, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào. Cụ thể, từ nay tới năm 2025, hai địa phương tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm như tổ chức chuyên đề xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên đầu tư cho trường học còn khó khăn.

Hai bên thống nhất thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các trường còn gặp khó khăn về đội ngũ và chất lượng chuyên môn. Mỗi quận, huyện sẽ chọn 10 trường xây dựng điểm về triển khai phong trào. 

Hai địa phương Ba Đình-Ba Vì cụ thể hóa chương trình được triển khai bằng việc tăng cường tổ chức lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, nâng cao chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, xây dựng trường học “Xanh-An toàn-Thân thiện”, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non…

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, toàn huyện hiện có 111 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông cơ sở với 2.067 lớp và 64.429 học sinh, trong đó có 84/110 trường công lập đạt trường chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục đại trà cấp tiểu học, trung học cơ sở được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ học sinh giỏi có chiều hướng tăng lên, chất lượng kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9 được khẳng định...

Ngay từ cuối năm 2022, hai Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, tiêu biểu là hoạt động hỗ trợ chuyên môn với 4 chuyên đề: "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học" do ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình làm báo cáo viên. Tiếp đó là 3 chuyên đề do giáo viên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Vinschool thực hiện tại Trường Tiểu học Phú Châu và Trường Trung học Cơ sở Thái Hòa gồm "Đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn" (cấp tiểu học); "Dạy học phân hóa và phương pháp phản hồi của học sinh", "Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường" (cấp trung học cơ sở).

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, năm 2022, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh các trường khu vực ngoại thành có sự bứt phá rõ rệt, trong đó có những trường ở địa bàn rất khó khăn. Đây không chỉ là sự nỗ lực của thầy và trò các trường học mà còn khẳng định hiệu quả chủ trương Hà Nội kiên trì từ nhiều năm nay là tập trung nguồn lực nâng chất lượng giáo dục toàn diện, giảm khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.

Do đó, để nâng chất lượng toàn diện, giảm khoảng cách về chất lượng của các trường khu vực ngoại thành và nội thành, bên cạnh giải pháp kiên trì thực hiện, Hà Nội đã và đang triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường. Các địa phương, nhà trường dựa trên các thế mạnh của mình để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, cùng thực hiện mục tiêu xây dựng ngành giáo dục Thủ đô ngày một khởi sắc, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu về giáo dục của cả nước.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Gần 5.000 học sinh, chuyên gia tham gia ngày hội hướng nghiệp
TP Hồ Chí Minh: Gần 5.000 học sinh, chuyên gia tham gia ngày hội hướng nghiệp

Gần 5.000 học sinh, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, dự báo thị trường lao động việc làm; chuyên gia tư vấn các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đã tham gia Ngày hội “Hướng nghiệp, Tuyển sinh” lần XI - năm 2023 với chủ đề “Định hướng bản thân - Chọn nghề phù hợp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN