Tìm những bài giảng có chất lượng
Theo định kỳ 3 năm một lần, Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) lại tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN nhằm mục tiêu đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt. Đặc biệt là phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả cao; cũng như đánh giá năng lực giảng dạy thực chất của đội ngũ nhà giáo GDNN. Và từ hội giảng sẽ tìm cách nhân rộng những cách làm mới, truyền thụ kiến thức hiệu quả nhất cho học sinh.
“Trên cơ sở đó, giúp các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết. Do đó, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 15 – 21/9, thu hút 372 nhà giáo đến từ 56 tỉnh, thành tham gia, trong đó Hà Nội có số lượng nhà giáo đăng ký nhiều nhất (28 nhà giáo).
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tại Hội giảng toàn quốc, mỗi nhà giáo sẽ trình giảng một trong ba bài giảng: Lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp lý thuyết và thực hành. Giáo viên rút thăm trúng hình thức nào sẽ trình giảng theo hình thức đó. Với số lượng tham gia đông, hình thức trình giảng đa dạng, công tác chuẩn bị cho Hội giảng đòi hỏi sự công phu, chu đáo.
Giáo viên Nguyễn Thị Quyên (Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh) chia sẻ, điểm mới của Hội giảng năm nay là giáo viên phải chuẩn bị cùng lúc 3 bài giảng, phải thuần thục cả lý thuyết và kỹ năng thực hành. Nhờ được hỗ trợ tối đa về mọi mặt, chị Quyên và các đồng nghiệp tự tin bước vào kỳ sát hạch trình độ chuyên môn, tay nghề lớn nhất từ trước đến nay.
Hiện nay, các trường có giáo viên tham gia dự thi đang rất tích cực ôn luyện bài giảng. Do Ban tổ chức Hội giảng yêu cầu thí sinh phải chuẩn bị 3 bài giảng với 3 hình thức khác nhau (lý thuyết, thực hành, tích hợp) nên việc luyện của thí sinh gặp khó khăn nhất định. Cụ thể, đối với nhà giáo đang công tác tại trường đào tạo nghề, lâu nay áp dụng dạy thực hành và tích hợp thì gặp trở ngại đối với bài thi lý thuyết. Ngược lại, với những nhà giáo dạy ở trường giáo dục chuyên nghiệp thì việc thực hiện dạy tích hợp chưa phải là sở trường, bởi một thời gian dài trực thuộc Bộ GD&ĐT chuyên áp dụng dạy lý thuyết. Tuy nhiên, các nhà giáo đều đã tìm ra những cách để khắc phục để khi gắp thăm vào hình thức thi nào cũng có thể thực hiện tốt nhất.
Ông Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Từ đầu năm, nhà trường đã lên kế hoạch cho công tác Hội giảng. Từ tháng 7 nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên dự thi, tổ bộ môn, khoa được lựa chọn đề tài cũng như đi mời chuyên gia góp ý về sư phạm và chuyên môn. Đến nay, việc ôn luyện của các thầy cô đang ở giai đoạn nước rút, về cơ bản đã ổn nhưng các thầy cô vẫn luôn cập nhật để nội dung bài giảng được sinh động nhất.
Đề tài gắn với thị trường lao động
Theo các giáo viên tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2018, nếu bốc thăm trúng bài giảng tích hợp, thí sẽ “khoe” được phương pháp dạy thực hành và tích hợp. Một xu hướng mới trong giảng dạy với giáo dục nghề nghiệp, nhất là những nghề đòi hỏi ứng dụng thực tế với thị trường lao động hiện nay.
Tuy nhiên, để bài trình giảng đạt điểm tối đa thì phần chọn đề tài rất quan trọng. Vì thế, đa số các nhà giáo tham dự Hội giảng đều chọn những đề tài gần với cuộc sống. Thầy Đinh Quang Tuế, giáo viên Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội chọn bài giảng liên quan đến mối hàn 2F. Đây là phương pháp hàn ứng dụng nhiều trên thực tế, nhất là các công trình xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, phương pháp hàn này cũng xuất hiện những khuyết tật nên bài giảng hướng đến các phương pháp khắc phục và hàn theo đúng đúng bản vẽ thiết kế.
Trong khi đó, cô Lê Thị Hồng Phượng, Giáo viên trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đăng ký dự thi nghề Tin học văn phòng chia sẻ: “Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nên tôi chọn bài giảng liên quan đến công nghệ, đó là thực hiện in từ xa. Dịch vụ này cho phép người sử dụng được in trên các thiết bị như điện thoại di động, máy tính mà không cần kết nối với máy in – đó là ứng dụng tiện ích đối với mọi người”.
Còn cô Trần Thị Hường, giáo viên trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chọn đề tài điều khiển thiết bị điện dân dụng qua Bluetooth. Đây là công nghệ lập trình mới nhất hiện nay và đang được phổ biến trong xã hội. “Tôi lựa chọn ứng dụng này vào bài trình giảng, để sinh viên sau khi nghe và được hướng dẫn có thể vận dụng ngay vào trong gia đình. Chẳng hạn như dùng điện thoại để điều khiển quạt, tắt – bật đèn…”, cô Hường cho biết.
Đứng ở góc độ nhà trường, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: Những lần hội giảng trước, các bài thi của thầy giáo nhà trường đều thuê ghi hình, sau đó để trình chiếu tại nhà trường. Đó cũng là cách truyền thông và cũng truyền dạy hiệu quả đến học sinh và được đánh giá cao.
Các bài giảng đều được Ban tổ chức bố trí ghi lại, một số môn sẽ livestream để phổ biến nhân rộng. “Ngay như kỳ thi tay nghề ASEAN vừa qua, Singapore có tới 30 nhân viên truyền thông để quay lại tất cả trình diễn tay nghề với mục đích để học hỏi kinh nghiệm và tìm cách học kỹ năng mới. Đây là cách làm mà các đoàn tại Hội giảng lần này học tập. Từ các bài giảng hay, độc đáo có thể phổ biến nhân rộng tại các trường cao đẳng, trung cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục nghề nghiệp”, ông Trương Anh Dũng chia sẻ.