Chú ý phương thức xét tuyển từng trường
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thời điểm này thí sinh cần biết đến những phương thức xét tuyển. Mọi năm, nếu như phương thức xét tuyển giữa 4 nguyện vọng trong phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh là bình đẳng theo thứ tự, được áp dụng cho tất cả các trường thì năm nay, việc xét tuyển của nhiều trường có sự khác biệt.
”Bức tranh” xét tuyển ĐH, CĐ 2016 có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Ảnh: Quý Trung |
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD -ĐT, xét hai nguyện vọng là bình đẳng (nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét nguyện vọng 2 bình đẳng với các thí sinh khác); Thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 sẽ được ưu tiên so với thí sinh đăng ký ngành đó ở nguyện vọng 2 (chẳng hạn phải có kết quả thi cao hơn thí sinh có nguyện vọng 1 là 0,5 điểm); Trường sẽ xét hết thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, sau đó còn chỉ tiêu mới xét thí sinh đăng ký nguyện vọng 2...
Tuy nhiên, nhiều trường có phương thức xét tuyển riêng nên thí sinh cần cân nhắc thật kỹ để lựa chọn. Nếu như năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước thì năm 2016 các trường được quyết định điểm trúng tuyển phù hợp với tình hình thực tế của công tác xét tuyển. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu xem trường mình định đăng ký xét tuyển có công bố thêm phương thức đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường hay không trước khi lựa chọn phương thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Hiện nay, đã có 2 nhóm trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển gồm: Nhóm trường do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì (nhóm GX) và nhóm trường do ĐH Đà Nẵng chủ trì. Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh đăng ký vào nhóm trường chỉ được đăng ký tối đa 4 ngành ở đợt 1 và 6 ngành ở các đợt bổ sung. Nếu đăng ký từ 2 trường trong nhóm trở lên sẽ không được phép đăng ký thêm trường ngoài nhóm.
Đặc biệt, trong phiếu đăng ký xét tuyển vào nhóm trường, thí sinh được phép đăng ký các ngành (của các trường trong nhóm) và xếp thứ tự từ 1 đến tối đa 4 (hoặc 1 - tối đa 6 trong các đợt bổ sung). Trong mỗi ngành, phải điền mã trường cùng mã ngành (nhóm ngành); Nhóm GX và nhóm ĐH Đà Nẵng quy định: mỗi trường trong nhóm thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 ngành (nhóm ngành).
Phải nộp giấy báo kết quả đúng hạn
Sau khi có kết quả thi, thí sinh được trường ĐH chủ trì cụm thi cấp giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh lưu ý: Không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển, chỉ nộp vào trường nhập học sau khi đã trúng tuyển. Thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi coi như không có nguyện vọng học tại trường và sẽ không được gọi nhập học. Thí sinh cần lưu ý: Kể cả thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường cũng phải xác nhận việc nhập học tại trường. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi ở đó. Hiện nay, các trường ĐH đang tập trung in giấy chứng nhận kết quả thi để chuyển về các Sở GD-ĐT, từ Sở sẽ chuyển về các trường THPT để bàn giao cho thí sinh.
Theo quy định trong lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, dự kiến thí sinh nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trong khoảng từ ngày 25 - 27/8. Chậm nhất là trước ngày 30/8 giấy chứng nhận kết quả thi phải đến tay thí sinh. Ở mỗi đợt xét tuyển, chậm nhất 5 ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường bưu điện, thời gian được xác định theo dấu bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo quy chế, năm nay thí sinh không được rút hồ sơ đăng ký. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa vào kết quả thi và kết quả tuyển sinh năm ngoái để nộp vào trường phù hợp. Điều quan trọng là năm nay, sau khi có kết quả xét tuyển vào các trường, các em phải nộp giấy báo kết quả thi đúng thời hạn để khẳng định mình học trường đó. Quá thời hạn mà thí sinh không nộp hồ sơ nghĩa là thí sinh không chấp nhận học tại trường và họ sẽ tuyển bổ sung. Đây cũng là điểm mới thí sinh cần lưu ý.