Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực để thực hiện Đề án đúng kế hoạch đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đồng bộ, cơ bản tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh.
Những thành công ban đầu sau 2 năm triển khai Đề án có thể nhận thấy, đó là việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp giúp học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính có điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và chất lượng giáo dục toàn diện. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Đặc biệt, đối với các học sinh bán trú, công tác quản lý, giảng dạy, chăm sóc, giáo dục được tăng cường, giúp các em được làm quen với môi trường tập thể, rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động khác.
Việc triển khai Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời, bố trí sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ tốt được giao.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) hiện có 584 học sinh được chia thành 18 lớp học, trong đó có 533 em học bán trú do khoảng cách từ nhà đến trường xa, không có điều kiện đi về trong ngày. Toàn trường chỉ có 5 học sinh là người Kinh, còn lại là dân tộc H’Mông.
Trước khi thực hiện đề án sắp xếp lại, Trường có 6 điểm trường, trong đó có 5 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường chính hơn 8 km, học sinh đi học vô cùng khó khăn vì khoảng cách xa, hầu hết là đường núi, đường đất, nhất là khi trời mưa, đường trơn trượt.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu cho biết, khi chưa sắp xếp lại, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý; việc thực hiện chỉ đạo chuyên môn không kịp thời, đồng bộ do việc đi lại khó khăn, mỗi điểm trường chỉ có 1 - 2 cô giáo nên việc thăm lớp, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh chuyên cần không cao, chỉ đạt từ 85 - 90%; cơ sở vật chất tại các điểm trường này cũng rất khó khăn, nhiều thầy cô phải ở lại từ đầu tuần đến cuối tuần mới về nhà, việc ăn uống, sinh hoạt của cả cô và trò rất vất vả, thiếu thốn.
Từ tháng 8/2016, Trường bắt đầu thực hiện đề án sáp nhập, giai đoạn đầu còn thiếu cơ sở vật chất, phòng ngủ bán trú cho học sinh. Đến tháng 12, Trường đã được đầu tư hoàn thiện xây mới 8 phòng ngủ đơn, 4 phòng ngủ đôi và xây thêm 2 công trình vệ sinh, 1 nhà tắm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn ngủ cho hơn 160 cháu ở điểm trường lẻ về. Sau khi sắp xếp, ổn định các khối lớp học, tỷ lệ học sinh chuyên cần thay đổi rõ rệt, đối với bậc học mầm non là 100%, còn các bậc học khác đạt 97%, nguy cơ học sinh bỏ học không còn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền chia sẻ thêm, về học tại trường chính, các em học sinh đã mạnh dạn hơn, kỹ năng sống được nâng cao và được các thầy cô chăm sóc, nuôi dưỡng với điều kiện tốt. Các em còn thường xuyên được giao lưu, học hỏi các bạn và tham gia các hoạt động ngoại khóa như văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Đối với những em thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn còn được hỗ trợ chi phí và đồ dùng học tập…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn gặp phải một số khó khăn tồn tại như một số điểm trường có khoảng cách về điểm trường chính quá xa, giao thông đi lại không thuận lợi dẫn đến việc huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ lớp chuyên cần không cao.
Một số điểm trường nằm trong diện sáp nhập nhưng chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất ở điểm trường chính để đáp ứng quy mô sau khi đưa học sinh từ điểm trường lẻ về học tập tại điểm trường chính. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt giáo viên tại một số cấp học cũng khiến công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa được hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, ngoài việc chưa đảm bảo đủ cơ sở vật chất và khoảng cách đi lại từ các điểm lẻ về học tập tại điểm trường chính xa, việc thiếu hụt cán bộ quản lý, giáo viên và mất cân đối về cơ cấu bộ môn là một thách thức lớn sau khi sáp nhập. Một số trường liên cấp có quy mô lớn, công tác quản lý, điều hành nhiều khó khăn do khối lượng công việc lớn, số lượng cán bộ ít, cấp tiểu học chỉ có một Phó Hiệu trưởng nhưng phải đảm đương công việc của 3 - 4 cán bộ quản lý trước khi sáp nhập. Hiện sau 2 năm thực hiện Đề án, huyện Lục Yên đang thiếu 41 giáo viên mầm non, thừa 16 giáo viên tiểu học và 4 giáo viên trung học cơ sở.
Khắc phục tình trạng này để triển khai Đề án hiệu quả, thời gian tới, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó ưu tiên các trường học thực hiện xóa điểm lẻ và các trường có học sinh bán trú. Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp lý trong việc điều động, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cấp học ở các địa phương trong tỉnh, khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục vào Đào tạo Yên Bái, sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã giảm được 128 trường, 284 điểm trường, 90 lớp; tăng 12.398 học sinh các cấp, 6.826 học sinh bán trú; đầu tư cho 162 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,5%; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, trung học cơ sở được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 29,8%.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Năm học 2017 - 2018, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp trung học cơ sở đạt 42,1%, tăng 1,8%; tỷ lệ học sinh khá giỏi cấp trung học phổ thông đạt 53,3%, tăng 2,9% so với năm học 2015 - 2016. Tỷ lệ học sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng các năm học duy trì ở mức trên 31%.