Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị rút các loại giấy phép về tư vấn, tuyển sinh, đào tạo có yếu tố nước ngoài của một số đơn vị do cố tình tuyển sinh, đào tạo các chương trình liên kết đã bị xử phạt hành chính.
Năm 2011 và 2012, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của một số đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Sau thanh tra, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với một số đơn vị có sai phạm. UBND TP.HCM cũng đã có thông báo, giao nhiệm vụ cho một số sở, ngành liên quan đôn đốc, giám sát việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD&ĐT đối với các đơn vị có sai phạm.
Tháng 9/2012, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với 6 đơn vị, bao gồm: Công ty TNHH Melior Việt Nam, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), Công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC), Viện Quản trị tài chính (IFA); Công ty TNHH đào tạo FTMS và Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Xinhgapo (SIBME).
Báo cáo kết quả kiểm tra tại Công văn số 138/CV-CQĐD ngày 26/9/2012 của Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM (đã gửi cho UBND TP.HCM) cho thấy một số đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tiếp tục tư vấn, tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên kết đã bị đình chỉ.
Để đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành của thành phố xem xét rút các loại giấy phép về hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài của 4 đơn vị sai phạm sau: Công ty TNHH nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC), Viện Quản trị tài chính (IFA), Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Xinhgapo (SIBME) và Công ty TNHH Melior Việt Nam.
Đối với Công ty TNHH đào tạo FTMS, tuy đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn cần quan tâm kiểm tra giám sát hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài của đơn vị này, tránh để lặp lại các sai phạm.
Tuệ Văn (CTV)