Clip chia sẻ của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn về những điều chỉnh dự kiến trong Quy chế tuyển sinh 2022:
Thời gian không còn nhiều
Tại Hội nghị tuyển sinh báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2021 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, nhiều ý kiến của các cơ sở giáo dục đồng ý với những điều chỉnh dự kiến trong Quy chế tuyển sinh 2022. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc Bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký dự thi, xét tuyển và nhập học…
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì việc Bộ áp dụng dữ liệu học bạ thuận lợi cho thí sinh cũng như nhà trường rất nhiều.
“Tôi mong muốn Bộ càng sớm công bố Quy chế tuyển sinh 2022 càng tốt. Mặc dù chủ trương của Bộ là giữ ổn định như năm ngoái nhưng những điều chỉnh này có tác động lớn đến thí sinh và nhà trường. Trong hai năm qua, các trường đại học đã hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, tuyển sinh và đăng ký xét tuyển. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng có phần mềm như vậy và đang hoạt động rất hiệu quả”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết.
Cũng theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, quy chế mới dự kiến điều chỉnh có nêu: Với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm (ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm), không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Nếu Bộ đã có định lượng rồi thì nên có giới hạn tối đa là bao nhiêu để các trường triển khai. Đồng thời, các trường cũng có căn cứ giải trình với xã hội.
Đồng quan điểm này, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên sớm ban hành quy chế tuyển sinh để địa phương sớm triển khai các nội dung điều chỉnh như dự kiến. Từ kinh nghiệm của năm ngoái, tại TP Hồ Chí Minh vẫn có thí sinh quên đăng ký nguyện vọng. Đến hạn chót mới phát hiện ra thì Sở GD&ĐT liên hệ Bộ GD&ĐT để học sinh, phụ huynh làm lại. Nếu năm nay công tác xét tuyển theo hình thức trực tuyến 100% mà có tình huống như thế, Sở mong Bộ GD&ĐT hỗ trợ để các em đăng ký theo nguyện vọng của mình.
Đảm bảo công bằng
Về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ mã định danh, căn cước của giáo viên và tới đây sẽ là học sinh. Khi làm được điều này sẽ thuận lợi cho các dịch vụ trực tuyến; trong đó có việc đăng ký thi, xét tuyển đại học của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhắc lại năm 2016 công tác tuyển sinh đã có bước chuyển lớn khi thực hiện hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông qua phần mềm. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn về ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh và tạo được hiệu ứng tích cực. Năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cao đẳng sư phạm mầm non và đại học.
“Đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa và phát triển. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi các minh chứng cũng được thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GD&ĐT cũng giảm bớt các công việc liên quan đến hành chính”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học nhằm thuận lợi cho thí sinh và các trường, đồng thời giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.
Ghi nhận việc năm nay các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, Thứ trưởng cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, các trường phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau.
Nhìn nhận công tác tuyển sinh năm 2022 có thể phải lường trước một số khó khăn do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tham gia tích cực vào công tác này; trong đó có việc rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.