Nâng chất phong trào
Bóng đá là một trong những môn thể thao có điều kiện phát triển mạnh vì được nhiều học sinh yêu thích và dễ tập luyện, thi đấu.
Chương trình bóng đá học đường do Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp thực hiện được bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, dự kiến kéo dài đến năm học 2019 - 2020.
Đây là một trong những hoạt động phong trào thể thao nổi bật đang được triển khai tại nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 156 trường Tiểu học với hơn 8.800 học sinh, 49 trường Trung học Cơ sở với 2.250 học sinh tập luyện theo chương trình bóng đá học đường. Festival bóng đá học đường mỗi năm học thu hút sự tham gia của học sinh đến từ 150 trường, trong đó có khoảng trên 140 đội của 90 trường được chọn vào vòng chung kết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố quan tâm thực hiện chương trình bóng đá học đường với mục tiêu mỗi học sinh đến trường học tập sẽ chọn được cho mình một môn thể thao yêu thích, trong đó có môn “thể thao vua” là bóng đá. Bên cạnh môn bóng đá, một số môn thể thao như bơi, bóng chuyền, bóng rổ, Taekwondo, Vovinam cũng được đưa vào các trường học nhằm tạo sân chơi thể thao và phát triển thể lực học sinh.
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Quận 7) là một trong những trường đầu tiên tham gia chương trình bóng đá học đường. Bà Nguyễn Thị Bích Nhi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho biết: Trường triển khai chương trình bóng đá học đường ngay từ năm học 2014 - 2015, đã xây dựng sân bóng đá để học sinh toàn trường chơi bóng đá miễn phí.
Chương trình đã tạo được "luồng gió mới" trong thể thao học đường, tạo được sự thay đổi tích cực của học sinh đối với các hoạt động thể dục thể thao, nhất là trong bóng đá. Hiện trường có hơn 300 học sinh tham gia bóng đá học đường và đã từng đoạt Huy chương Vàng Festival bóng đá học đường năm 2016 - 2017 ở nội dung dành cho học sinh lớp 3.
Chương trình bóng đá học đường là cơ hội để học sinh có tiềm năng được rèn luyện và theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn dành cho giáo viên thể dục, nhất là về môn bóng đá để hướng dẫn chính xác và tạo niềm yêu thích bóng đá cho học sinh.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) chia sẻ: Ngày càng có nhiều học sinh tham gia chương trình bóng đá học đường, hiện có 140 học sinh của trường tham gia thường xuyên, đã từng đoạt Huy chương Đồng Festival bóng đá học đường năm học 2016 - 2017 dành học sinh lớp 4.
Trường đã mời thêm huấn luyện viên bóng đá bên ngoài về hướng dẫn cho học sinh, lựa chọn sân tập đảm bảo chất lượng để học sinh được tập luyện bóng đá thường xuyên hơn.
Ông Trần Đình Huấn, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức chương trình bóng đá học đường cho biết: Mục tiêu chung của chương trình là tạo sân chơi thể thao cho học sinh, mở ra con đường bóng đá chuyên nghiệp cho học sinh trong tương lai, đồng thời gây dựng lại nền bóng đá đỉnh cao của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần tạo niềm yêu thích cho học sinh đối với môn bóng đá, từ đó ra sức tập luyện để phát triển khả năng cũng như thể lực bản thân.
Chia sẻ thêm về mục tiêu thực hiện chương trình Bóng đá học đường, ông Đoàn Minh Xương, phụ trách chuyên môn của chương trình bóng đá học đường cho rằng: Chương trình đã tạo được tiếng vang trong xã hội, nhận được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhận được sự tham gia của nhiều trường trên địa bàn thành phố. Ngoài phát triển môn bóng đá nam, chương trình đang mở rộng cho bóng nữ, tạo điều kiện cho nhiều học sinh được làm quen và đào tạo bài bản đối với môn bóng đá.
Hướng tới chuyên nghiệp
Không chỉ được thực hiện ở các trường học như một môn thể thao phong trào mà bóng đá còn được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường. Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng và Học viện Bóng đá CV9 ký kết hợp tác thực hiện chương trình đưa bóng đá chuyên nghiệp vào học đường nhằm tạo môi trường rèn luyện bóng đá chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên, đào tạo và bổ sung các cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam.
Với chương trình đưa bóng đá chuyên nghiệp vào học đường, hơn 40.000 học sinh, sinh viên với gần 40 cơ sở giáo dục tại 15, tỉnh, thành phố trong cả nước của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng được tiếp cận môn bóng đá chuyên nghiệp trong giờ học thể chất chính khóa với sự hướng dẫn chuyên môn, chương trình đào đạo được xây dựng bởi các chuyên gia của Học viện Bóng đá CV9.
Với giáo án chuyên nghiệp, phù hợp với độ tuổi và thể trạng của học sinh từ Mầm non đến Đại học, học sinh, sinh viên được huấn luyện và đào tạo bởi đội ngũ huấn luyện viên nước ngoài như Marshall Soper, cựu tuyển thủ quốc gia Australia và các huấn luyện viên Elokan Francois Herbert Endene, Aidan Malone, cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam Nguyễn Hồng Tiến cùng với sự tham gia đào tạo, huấn luyện của các cầu thủ Lê Sỹ Mạnh, Phan Văn Tài Em, Trần Minh Chiến.
Chia sẻ về việc đưa bóng đá chuyên nghiệp vào học đường, cựu tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh, Chủ tịch Học viện Bóng đá CV9 cho biết, việc đưa bóng đá chuyên nghiệp vào học đường là ước mơ của cựu tuyển thủ này từ nhiều năm trước khi còn thi đấu ở Nhật Bản, nhận thấy giáo dục thể chất, nhất là môn bóng đá rất được các trường học ở Nhật Bản chú trọng đầu tư.
Cựu tuyển thủ Lê Công Vinh mong muốn được góp sức xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam bắt nguồn từ cộng đồng và trường học. Với chương trình đưa bóng đá chuyên nghiệp vào học đường do Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng và Học viện Bóng đá CV9 thực hiện sẽ phát triển những tiềm năng bóng đá trong học đường để bổ sung cầu thủ cho các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, góp phần phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Đối với mục tiêu đào tạo bóng đá cho học sinh, sinh viên, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Thường trực Hội đồng Giáo dục Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng cho biết: Bên cạnh những kiến thức được học tại trường, học sinh ngày nay cần có năng lực thể chất thật tốt cũng như các kỹ năng xã hội.
Bóng đá chính là môi trường thực tế và hữu ích để rèn luyện ý chí kiên cường, tinh thần đồng đội cùng tư duy chiến thuật thông minh.
Chúng tôi quyết định hợp tác với cựu cầu thủ Lê Công Vinh và Học viện Bóng đá CV9 vì đây là cầu thủ Việt Nam từng thi đấu ở các câu lạc bộ châu Âu và Nhật Bản, có kinh nghiệm xây dựng và quản lý các câu lạc bộ bóng đá lớn, Học viện Bóng đá CV9 có đội ngũ huấn luyện viên tài năng với các chương trình đào tạo bóng đá chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với từng đối tượng.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển giáo dục thể chất là vấn đề được quan tâm đầu tư.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đang triển khai đưa nhiều môn thể thao vào học đường trong đó có bóng đá, hướng tới đào tạo các môn thể thao một cách bài bản, chuyên nghiệp tại trường học trong tương lai.