Dự thảo Giáo dục phổ thông tổng thể:

Những năng lực cần thiết không được nhắc đến

Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đang được Bộ GD - ĐT xin ý kiến góp ý từ xã hội. Dự thảo lần này nếu hoàn thiện sẽ là một bước ngoặt trong sự thay đổi của giáo dục nước nhà. Sau khi dự thảo công bố, nhiều nhà giáo tâm huyết đã có những bản góp ý tới Bộ GD - ĐT.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có bản góp ý về dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” tập trung vào một vài vấn đề chưa hợp lý và đề xuất cần bổ sung thêm những năng lực cần được đánh giá tiếp cho học sinh.

Năng lực lao động là một trong những năng lực mà theo nhiều giáo viên, nhà giáo cần được bổ sung vào trong dự thảo.


Theo PGS Văn Như Cương: “Chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: 1) Sống yêu thương; 2) Sống tự chủ; 3) Sống trách nhiệm”. Có thể đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ có ba phẩm chất như vậy? Tại sao ta bỏ qua nhiều phẩm chất quan trọng và cần thiết khác?”. Hãy lấy một vấn đề rất nhức nhối trong xã hội ta, đó là sự dối trá. Sự dối trá và lừa đảo tràn lan khắp nơi, khắp mọi lĩnh vực của đời sống, từ nơi công quyền, từ chốn chợ búa, siêu thị, từ chốn tâm linh của đền chùa, từ nơi tôn nghiêm của học thuật, khoa học và nghiên cứu...

Trong giáo dục sự dối trá và lừa đảo ngày càng tăng, học sinh làm bài thi thì quay cóp, các kì thi thì trắng trường các “phao” cứu hộ. Học sinh nói dối từ khuyết điểm nhỏ đến lỗi lầm lớn. Thầy cô giáo bị áp lực từ nhiều phía nên không thể trung thực khi cho điểm học sinh, cho học sinh lên lớp, các ông hiệu trưởng thì không trung thực khi báo cáo lên cấp trên để khuếch trương thành tích, để được tặng bằng khen, được thưởng huân chương này nọ... Nhưng mọi việc theo thời gian cứ từ từ trở lại như cũ...Vậy thì tại sao ta lại không đưa ra một phẩm chất hết sức cần thiết, đó là “Sống trung thực, không dối trá...? Sống yêu thương, sống tự chủ, sống trung thực” là những phẩm chất cần có, nhưng nếu sống dối trá thì yêu thương cũng chỉ là dối trá, tự chủ cũng chỉ là dối trá, trách nhiệm cũng chỉ là dối trá!”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”. Từ năm học 2018 - 2019: Triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10. Năm học 2019 - 2020: Triển khai ở lớp 2, lớp 7, lớp 11. Năm học 2020 - 2021: Triển khai ở lớp 3, lớp 8, lớp 12. Năm học 2021 - 2022: Triển khai ở lớp 4, lớp 9. Năm học 2022 - 2023: Triển khai ở lớp 5.

PGS Văn Như Cương đề cập đến vấn đề thứ hai mà bản dự thảo quy định là năng lực chủ yếu cần có của học sinh bao gồm 8 năng lực. Theo PGS Văn Như Cương, có thể ghép một số năng lực với nhau vì chúng gần nhau. Ví dụ, năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo có thể ghép thành năng lực tìm hiểu và sáng tạo, năng lực giao tiếp và hợp tác có thể ghép thành năng lực giao tiếp hòa đồng và hợp tác... Bên cạnh đó, PGS Văn Như Cương cho rằng, còn thiếu hai năng lực rất quan trọng mà chúng ta cần giáo dục ngay trong nhà trường, đó là năng lực lao động (hoặc nói rộng hơn là năng lực làm việc) và năng lực phản biện.

“Điều rất đáng ngạc nhiên là trong toàn bộ bản dự thảo không hề có cụm từ “giáo dục lao động”. Đã một thời trước kia giáo dục lao động được coi trọng, được đánh giá cao trong việc hình thành nhân cách cho một công dân tương lai. Tôi nhớ rằng hồi đó mỗi tuần một học sinh phải tham gia một buổi lao động tập thể... Tôi đề nghị không thể bỏ qua năng lực này”, PGS Văn Như Cương đề xuất.

Bên cạnh góp ý về năng lực cho học sinh ở bản dự thảo, một số nhà giáo còn lo lắng bản dự thảo quá “ôm đồm” và sợ tình trạng quá tải. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Xem dự thảo mà thấy có quá nhiều điều phải lo lắng. Bộ GD - ĐT cho rằng, chương trình mới sẽ giảm tải cho học sinh, nhưng việc tích hợp các môn học không hề nhẹ hơn cho cả học sinh và giáo viên. Thật khó có thể hình dung được cách thức tổ chức và thực hiện chương trình mới như thế nào và liệu cơ sở vật chất của nước ta đến năm 2018 đáp ứng được yêu cầu này chưa? Đây là vấn đề cần tính toán hợp lý trước khi triển khai”.

Một số giáo viên khác cho rằng, bản dự thảo có rất nhiều điều mới mẻ. Nếu áp dụng ngay e học sinh vẫn còn quen với cách dạy cũ và bản thân giáo viên cũng cần được đào tạo. “Bản dự thảo này nếu thực hiện được thì cần áp dụng xen kẽ ngay từ năm học này và cần có lộ trình đào tạo giáo viên”, một giáo viên đề xuất.

Lê Vân
Bộ trưởng Giáo dục cam kết khắc phục bất cập trong xét tuyển đợt 2
Bộ trưởng Giáo dục cam kết khắc phục bất cập trong xét tuyển đợt 2

Thừa nhận việc đăng ký xét tuyển đợt 1 bộc lộ bất cập, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, trong đợt 2 các thí sinh chỉ cần dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng gửi về các trường. Bộ đảm bảo tất cả phiếu đăng ký sẽ được chuyển nhanh chóng, chính xác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN