Rất đồng cảm với khó khăn trong quản lý các khoản xã hội hóa của hiệu trưởng các trường công lập là điều GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội chia sẻ với phóng viên khi được hỏi về sự cần thiết và tính minh bạch của các khoản này.
- Bước vào năm học mới, vấn đề các khoản thu tự nguyện, thu thỏa thuận đang làm khó cả phụ huynh lẫn nhà trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Với khối ngoài công lập, các trường không có các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện gì ngoài học phí và các dịch vụ như bán trú, xe đưa đón nếu phụ huynh có nhu cầu. Tôi thấy điều này rất hợp lý vì mọi người đều đóng góp như nhau và được hưởng quyền lợi như nhau. Các khoản thu thỏa thuận này chỉ đang gây bức xúc ở khối công lập. Đặt vấn đề ở đây là với việc tồn tại các khoản thu như vậy, một đại gia có khả năng bỏ ra rất nhiều kinh phí đóng góp cho nhà trường. Quyền biếu, tặng là của họ, nhà trường thì cũng chẳng có lý do để từ chối nhưng nếu đứng ở góc độ những phụ huynh khác không có khả năng đóng góp như vậy thì họ sẽ nghĩ gì? Đây chính là cái khó của các trường công lập.
Gánh nặng khoản thu đầu năm học mới. |
- Vậy với trường ngoài công lập thì có xảy ra trường hợp tương tự?
- Với trường tôi thì không có. Có một lần phụ huynh đề nghị ủng hộ lễ khai giảng cho nhà trường 5 triệu đồng và tôi đã đồng ý để tổ chức khai giảng năm mới sôi động hơn cho các học sinh. Còn các trường hợp khác tôi đều từ chối và phổ biến cho phụ huynh tất cả đều đóng góp như nhau. Quỹ do ban đại diện cha mẹ học sinh quy định như thế nào, đóng thế đó.
- Nhưng việc từ chối các khoản xã hội hóa sẽ khiến học sinh khối công lập mất đi cơ hội học tập, sinh hoạt tốt hơn vì ngân sách không đủ để bù cho các khoản phát sinh?
- Vậy nên tôi vẫn nói rằng tôi rất thông cảm với các hiệu trưởng trường công lập. Ngân sách thì có hạn, nhiều việc cần làm thì không có tiền. Cái thiết yếu như nhà vệ sinh chẳng hạn. Nhiều khu vệ sinh quá tải, xuống cấp, muốn sửa phải chờ ngân sách duyệt cả năm trời, phụ huynh thì không muốn con mình khổ nên tự nguyện muốn đóng góp. Vậy có hợp lý không? Theo tôi những khoản thu như vậy là hợp lý nhưng lại không hợp pháp.
- Để tránh phát sinh tiêu cực, ngành giáo dục Đà Nẵng đã cấm các trường thu tiền phụ huynh để mua điều hòa, máy chiếu, ti vi hay các khoản cho trang thiết bị, cơ sở vật chất. Ông nghĩ sao về quyết định này?
- Tôi có nghe nói về quy định này của Đà Nẵng và học phí ở đó cao hơn ở Hà Nội hiện nay. Tôi thấy khó hiểu khi thời buổi này Hà Nội đưa ra mức học phí không bằng một bát phở. Nói về khó khăn của người dân thì đúng là có nhưng nuôi một đứa con thì phải chăm cho nó ăn, nó mặc rồi học hành. Với đóng góp như hiện nay thì xem ra là có phần coi nhẹ cái học trong khi chi phí ăn, mặc tốn hơn rất nhiều. Trong khi đó, ngân sách của Hà Nội chi cho một đầu học sinh THPT vào khoảng 4 triệu đồng cho cả năm học. Đây là khoản tiền không nhỏ nhưng so ra thì cũng chỉ bằng một tháng tiền học phí khối dân lập. Vậy đủ để biết là có đủ chi tiêu hay không.
- Nhưng điều khiến phụ huynh phản ứng là việc thiếu dân chủ trong cách thu tự nguyện nhưng lại đổ đồng hay tính minh bạch trong cách sử dụng các khoản thu này ?
- Đúng là điều này khiến ngành giáo dục đang ở vào thế bí. Mâu thuẫn về việc cần có với việc triển khai thế nào các khoản thu tự nguyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo tôi, đã gọi là tự nguyện thì không thể đổ đồng, ai cũng đóng cùng một mức bắt buộc. Các khoản thu xã hội hóa trong điều kiện ngân sách nhà nước không đủ năng lực nâng cao chất lượng giáo dục, phương tiện học tập là cần thiết nhưng phải làm sao để không có chuyện bỏ túi riêng hay tự nguyện kiểu bắt buộc. Tôi nghĩ phần lớn các nhà giáo thì cũng chỉ mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp hiệu trưởng lợi dụng chính sách xã hội hóa để tư lợi. Bởi vậy, chính sách này vẫn cần có quy định chặt chẽ hơn.
Bằng Hữu