Đón chào năm học mới: Lo đủ chỗ học và tránh lạm thu

Chỉ còn một tuần nữa học sinh cả nước sẽ tưng bừng bước vào năm học mới. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều địa phương vẫn đang chật vật với nỗi lo làm thế nào để đáp ứng đủ cơ sở vật chất cho học sinh trước tình trạng nhiều trường quá tải. Kinh tế khó khăn cũng khiến các địa phương đau đầu về quy định các khoản thu trong năm học mới.


Tăng cường cơ sở vật chất


Tại nhiều địa phương, bước vào năm học mới 2012-2013 tình trạng quá tải học sinh ở khối công lập đang khiến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lo lắng, dù đã đầu tư không ít kinh phí xây mới và cải tạo cơ sở trường lớp. Tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2012-2013, thành phố đã đầu tư 1.485 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng 1.193 phòng học mới, nâng tổng số phòng học hiện có trên địa bàn thành phố lên 36.184 phòng, phục vụ học tập cho gần 1,5 triệu học sinh.

 

Niềm vui ngày khai truờng. Ảnh: Lê Phú


Thành phố cũng tuyển dụng 3.300 giáo viên các cấp để bổ sung cho các trường, đầu tư thêm 968 phòng chức năng như giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, y tế, tin học, ngoại ngữ… Tuy nhiên, mức tăng về phòng học này vẫn khó có thể đáp ứng đủ so với số học sinh gia tăng trên địa bàn thành phố so với năm học trước. So với năm học trước, năm học 2012-2013, cả thành phố tăng thêm trên 67.000 học sinh. Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Lê Hồng Sơn cho biết: Tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Ở nhiều khu vực, sĩ số học sinh cấp tiểu học trung bình từ 45 - 48 học sinh/lớp, cá biệt ở các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh lên đến 50- 55 học sinh/lớp.

Chào năm học mới. Ảnh: Lê Phú


Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay thủ đô có 2.434 trường học, hơn 1,5 triệu học sinh và 110.000 cán bộ, giáo viên. Thành phố đã bổ sung, thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới. Mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường trong năm nay là 2.253 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, mục tiêu của Hà Nội phấn đấu giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp xuống còn 30 học sinh/lớp ở bậc tiểu học, 35 học sinh ở bậc THCS và THPT. Tuy nhiên, đây là mục tiêu lâu dài vì ngay năm học này, nhiều nơi ở Hà Nội, đặc biệt là bậc tiểu học cũng có không ít trường hợp phải xin ý kiến lãnh đạo khi sĩ số lên tới 50 học sinh/lớp và mức trung bình là 45 học sinh/lớp. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: “Chỉ tính riêng khu vực Tứ Liên, trong 4 năm trở lại đây dân số đã tăng gấp đôi, từ 75.000 người lên đến 150.000 người. Tỷ lệ tăng dân số của cả quận là 4%. Quận cũng đã tăng cường đầu tư xây mới được 7 trường để kịp đưa vào sử dụng năm nay. Tuy nhiên, so với mức tăng dân số thì tốc độ xây trường mới chưa thể đáp ứng”.


Không chỉ ở những thành phố lớn, tại Sơn La, ông Trương Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2012-2013 toàn tỉnh có trên 304.500 học sinh, sinh viên, tăng gần 2% so với năm học 2011-2012, trong đó mẫu giáo gần 80.000 trẻ, học sinh phổ thông gần 216.000 em, giáo dục thường xuyên 4.880 em, trung cấp chuyên nghiệp 2.590 em và sinh viên cao đẳng gần 1.700 người. Ngành đã chỉ đạo tu sửa 814 trường sau hè, trong đó mầm non 284 trường, phổ thông 548 trường, giáo dục thường xuyên 12 trường và 2 trường cao đẳng để cố gắng đảm bảo đủ chỗ học, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh.


Gánh nặng học phí


Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT:

Hiện Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện thu chi đầu năm. Riêng về các khoản thu tự nguyện, Vụ Pháp chế đang thẩm định lại để lãnh đạo bộ sớm ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện như thế nào để vận dụng vào trong nhà trường. Mục đích của bộ là với các khoản thu này hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là không biết, không thể khoán trắng cho ban đại diện cha mẹ học sinh muốn thu thế nào thì thu. Tất cả các khoản thu tự nguyện phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, phải có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai các khoản thu chi. Bộ cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh để làm sao quản lý và sử dụng các khoản thu này hợp lý.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:

Sở đã báo cáo UBND thành phố về kết quả khảo sát mức thu chi thực tế và lấy ý kiến từ các trường làm cơ sở để đưa ra hướng dẫn chính thức về thu chi cho năm học mới. Được biết, ngoài việc ngân sách thành phố đảm bảo bù chi hơn 27 tỷ đồng trong việc áp dụng mức học phí mới đã giảm so với năm học trước thì các khoản thu hộ, thỏa thuận vẫn đang được xem xét. Chỉ với tiền nước uống của học sinh cũng có nhiều ý kiến khác nhau khi thành phố đồng ý cấp kinh phí cho nước tinh khiết từ vòi nhưng phụ huynh và nhà trường lại cho rằng cần sử dụng nước đun sôi, nước tinh khiết của các hãng. Như vậy, khoản thu này sẽ có hai cách, một là sử dụng ngân sách, hai là nhà trường sẽ phải thu hộ theo nhu cầu của phụ huynh. Về cơ bản, ngân sách thành phố sẽ đảm bảo toàn bộ hoạt động giáo dục đối với những trường công lập.

Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng:

Năm học này Đà Nẵng thu theo mức học phí mới vừa được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện Sở GD&ĐT vẫn chưa đưa ra hướng dẫn với các khoản thu chi trong năm học mới vì đang xin ý kiến của lãnh đạo thành phố về việc bãi bỏ một số khoản thu như phí dịch vụ vệ sinh, tiền in sao đề tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác... Năm nay Đà Nẵng cũng tiếp tục triển khai quy định về việc cấm các trường không thu tiền của phụ huynh để trang bị điều hòa, máy chiếu hay các trang thiết bị trường học khác. Thực tế, nhiều năm nay, các trường THPT của Đà Nẵng đã thực hiện việc này. Khó khăn chủ yếu hiện là các trường tiểu học vì không có học phí. Với thực tế nhưng vậy, Sở đang kiến nghị thành phố điều chỉnh mức chi thay vì 80% ngân sách cho lương và hoạt động thường xuyên, 20% chi khác thì chuyển thành 75% và 25% để các trường có thể nới rộng các khoản chi trong ngân sách.

Khó khăn chung về tài chính cả nước cũng khiến cho ngành giáo dục nhiều địa phương đau đầu với bài toán tránh lạm thu. Chỉ đạo về năm học 2012 - 2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu ngành phải khắc phục một cách triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định và thu góp trái quy định.


Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định, năm học mới 2012-2013 không điều chỉnh mà vẫn giữ nguyên mức thu học phí cũ (được áp dụng từ năm 1998). Tuy nhiên, vấn đề các bậc phụ huynh lo ngại nhất là các khoản phụ phí cao gấp nhiều lần so với học phí. Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất UBND thành phố không thu tiền cơ sở vật chất ở các cấp học từ năm học 2012-2013. Theo tính toán của Sở, một trường từ mầm non đến cấp THPT với khoảng 1.500 - 3.000 học sinh nếu thu trung bình 45.000 đồng/học sinh/năm thì số tiền thu cơ sở vật chất không đủ cho việc sửa chữa nhỏ. Do vậy, Sở GD&ĐT đề xuất thành phố với khoản tiền cơ sở vật chất, các trường dự toán mức sửa chữa tối thiểu trình Sở GD&ĐT để tổng hợp trình Sở Tài chính, bảo đảm các trường có kinh phí thực hiện.


Tuy nhiên, nhiều địa phương năm nay vẫn điều chỉnh tăng học phí. Mới đây nhất, UBND TP Đà Nẵng ban hành mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2012 – 2013. Theo đó, học phí được chia thành nhiều mức với nhà trẻ, mẫu giáo (vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4): 95.000 đồng, 70.000 đồng, 35.000 đồng và 6.000 đồng/học sinh/tháng; trung học cơ sở, bổ túc văn hóa trung học cơ sở: 60.000 đồng, 50.000 đồng, 25.000 đồng và 6.000 đồng; trung học phổ thông, bổ túc văn hóa trung học phổ thông: 70.000 đồng, 55.000 đồng, 30.000 đồng và 6.000 đồng. Tỉnh Bắc Giang cũng áp dụng mức học phí mới với mức cao nhất là 110.000 đồng với bậc mầm non địa bàn thành phố và giảm lần lượt theo khu vực nông thôn, miền núi là 65.000 đồng và 30.000 đồng/trẻ/tháng. Với bậc THCS và THPT mức cao nhất là 60.000 đồng, thấp nhất là 30.000 đồng và 35.000 đồng/học sinh/tháng.


Cá biệt, Hà Nội thay vì tăng học phí thì HĐND thành phố đã ban hành mức học phí mới, thấp hơn mức cũ. Đồng loạt ở các bậc học trên toàn địa bàn thành phố đều áp dụng một mức thu 40.000 đồng/tháng (với học sinh ở thành thị), 20.000 đồng/tháng (với học sinh ở khu vực nông thôn). Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đây là mức thu tối thiểu trong khung Nghị định 49 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngoài các đối tượng được miễn giảm theo Nghị định 49 thì Hà Nội còn áp dụng miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp học phổ thông, mầm non ở 13 xã miền núi khó khăn và hai xã giữa sông. Học sinh ở những xã miền núi này và những học sinh diện chính sách học ở trường công lập hay ngoài công lập còn được hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí dự kiến khoảng 65 tỷ đồng.

Bằng Hữu

Nhiều khoản thu hợp lý nhưng không hợp pháp
Nhiều khoản thu hợp lý nhưng không hợp pháp

Rất đồng cảm với khó khăn trong quản lý các khoản xã hội hóa của hiệu trưởng các trường công lập là điều GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội chia sẻ với phóng viên khi được hỏi về sự cần thiết và tính minh bạch của các khoản này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN