“Học chay”
Anh Giàng A Vả, ở bản Si Ma, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Tôi có 2 con đi học, đứa lớn đang học lớp 1, còn đứa nhỏ học mầm non. Cũng may là mới chỉ có một con học lớp 1, nên tiền mua sách giáo khoa (SGK) chỉ tốn khoảng 100.000 đồng, mua vở viết và đồ dùng học tập hết hơn 300.000 đồng nữa. Chỉ bấy nhiêu thôi, vợ chồng tôi đã phải bán 2 con dê đang đẻ để lo cho con ăn học”. Anh Giàng A Páo, bản Nậm Vì chia sẻ: “Tôi có đến 6 đứa con, một đứa bị tàn tật, còn 5 đứa đang theo học tiểu học và THCS. Nếu chỉ tính riêng tiền mua SGK cũng mất hơn 2 triệu đồng, chưa kể vở viết và đồ dùng học tập khác. Trong khi đó, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước và lúa nương may mắn thì đủ ăn, không có gì để bán lo chi phí đầu năm học cho các con”.
Những quyển sách của các nhà báo quyên góp được đã vượt hàng trăm km đến với học sinh trường Chung Chải. |
Bước vào năm học 2015 - 2016, hơn 70% học sinh của Trường tiểu học bán trú Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) không có SGK để học. Bởi năm học này là năm đầu tiên quy định miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/NĐ-CP và 74/NĐ-CP (sửa đổi) của Chính phủ hết hiệu lực. Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến nay, vẫn còn 260/863 học sinh của trường vẫn phải “học chay”, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của thày và trò. Mặc dù trường đã tổ chức dạy và học theo mô hình trường học mới, một nhóm học sinh có thể chỉ cần 3 - 4 quyển sách lý thuyết, nhưng sách bài tập thì bắt buộc mỗi em phải có một quyển/môn, mới làm bài tập được”.
Không riêng ở Điện Biên, mặc dù đã bước vào năm học mới được hơn một tháng, nhưng ở tỉnh Lào Cai hiện vẫn có hàng nghìn học sinh con hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số “tay trắng” đến trường, cũng vì không có SGK, thiếu vở viết và đồ dùng học tập. Trò chuyện với thầy Nông Văn Thiệp, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai), được biết nhà trường cũng đã “xoay sở” đủ SGK và vở viết cho 11 học sinh thuộc diện con em hộ nghèo là người dân tộc Mông, Dao, bảo đảm cho các em yên tâm học tập. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, toàn huyện có 614 học sinh không có SGK, phải dùng chung với bạn, hai loại sách thiếu nhiều nhất là Toán và Tiếng Việt.
Nhiều học sinh ở trường Tiểu học bán trú Chung Chải vẫn phải “học chay”. Ảnh: Phạm Khiêm |
Thầy Nông Văn Thiệp nhẩm tính, học sinh lớp một phải mua khoảng 10 đầu SGK, 8 - 10 quyển vở viết, cộng với bút mực, bút chì, bảng, phấn viết… tổng cộng khoảng hơn 200.000 đồng. Còn đối với khối lớp 4 và 5, riêng tiền mua SGK cũng mất hơn 400.000 đồng/bộ, chưa tính phải mua các đồ dùng học tập khác. Ở một xã còn tới hơn 70% số hộ nghèo và cận nghèo thì đây là một gánh nặng, nhất là đối với gia đình có nhiều con đi học.
Các trường cùng đối phó
Thày giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú Chung Chải cho biết: “Chung Chải là xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào Mông và Hà Nhì sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Vào đầu năm học, nhiều em học sinh con hộ nghèo không có SGK để học, nên các thày cô giáo đã phải mượn lại sách của các em học sinh lớp trước cho các em lớp sau học. Đồng thời, vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm ủng hộ SGK cũ. Thông qua đó, những nhà hảo tâm, nhà trường đã nhận được 17 triệu đồng từ một bác ở tỉnh Quảng Ninh gửi ủng hộ để mua SGK. Các nhà báo báo Nông thôn ngày nay, báo Tin Tức (TTXVN) vận động giúp và nhà trường đã nhận được hơn 120 bộ SGK cùng một số đồ dùng học tập khác. Các nhà báo còn vận động được 13 triệu đồng gửi lên để chúng tôi chủ động mua sách cho học sinh, nhưng đến nay vẫn còn nhiều em chưa có sách để học”.
Trưởng phòng giáo dục huyện Mường Nhé, Trần Ngọc Kiên cho biết, hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Mường Nhé đều rơi vào tình trạng chung như trường Chung Chải. Ngành giáo dục Mường Nhé sẽ tiếp tục huy động cán bộ, giáo viên và các tổ chức đoàn thể quyên góp, ủng hộ để mua sách hỗ trợ học sinh. Đồng thời, tuyên truyền và vận động các bậc phụ huynh tiết kiệm, dành kinh phí mua sách, vở cho con em mình. Làm sao để dần đáp ứng đủ lượng sách, vở cần thiết để phục vụ tốt hơn việc học của học sinh, tránh tình trạng học sinh thiếu sách, vở dẫn đến bỏ học giữa chừng.
“Để tháo gỡ khó khăn, từ cuối tháng 8, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản tạm chưa thu học phí của các đối tượng học sinh nghèo theo quy định, nhằm giúp học sinh có điều kiện mua SGK, vở viết và đồ dùng học tập. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn học sinh nghèo không có SGK, thiếu vở viết và đồ dùng học tập, phải học chung từ hai, ba học sinh/bộ SGK. Giải pháp hiện nay của tỉnh chỉ là tình thế, về lâu dài cần có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc thù của miền núi, vùng cao, vùng sâu”. Ông Đặng Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nói.
Ngày 2/10/2015, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2/10/2015 ra đời “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập” thay thế Nghị định 49 và 74 sửa đổi. Theo nghị định này, mức hỗ trợ chi phí học tập của học sinh con hộ nghèo được nâng lên 100.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với mức hỗ trợ trước đây. Tuy nhiên, trong điều khoản thi hành, Nghị định 86 phải đến 1/12/2015 mới có hiệu lực. Như vậy, học sinh sẽ không được hỗ trợ 3 tháng học là 9,10 và 11 và để chính sách hỗ trợ đến được học sinh còn phải chờ các cơ sở giáo dục lập xong danh sách nhu cầu được hỗ trợ. |