Ngày 14/3, 5 giáo viên trường THCS Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về những sai phạm của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nguyệt.
Đây là 5 giáo viên đã ký vào "Đơn tố cáo", gửi tới các cơ quan chức năng, tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nguyệt.
Đơn tố cáo 8 sai phạm của hiệu trưởng do 5 giáo viên ký đơn gửi cơ quan truyền thông. |
Cụ thể, trong 6 năm làm quản lý trường THCS Phú Đô, bà Nguyễn Thị Nguyệt đã đưa người thân vào những vị trí khác nhau trong trường, mà không có sự đồng ý của tập thể giáo viên.
Đó là việc đưa em gái là Nguyễn Thị Minh, được nhận về trường làm nhân viên thư viện, lên dạy tiếng Anh và làm chủ nhiệm lớp; đồng thời điều chuyển giáo viên tiếng Anh sang dạy môn thư viện. “Cô Nguyệt đưa ra lý do là chỉ cô Minh mới có trình độ, năng lực; còn các giáo viên tiếng Anh khác chuyên môn kém", một giáo viên cho biết.
Đồng thời, bà Nguyệt còn đưa em rể và cháu về làm bảo vệ tại trường. Ngoài ra, một số nhân viên y tế, giáo viên khác trong trường cũng là người nhà của bà Nguyệt.
Sai phạm thứ hai là việc tự quyết trong công tác thi đua, khen thưởng. "Từ khi về trường cô Nguyệt đã 2 lần được tăng lương trước thời hạn, nhưng không ai biết, trừ kế toán của trường. Hay việc em gái cô Nguyệt được khen thưởng cấp quận về "Người tốt, việc tốt" nhưng không ai trong trường được biết hoặc tham gia bình chọn. Theo quy định việc tăng lương trước thời hạn, bình xét thi đua phải thông qua ý kiến tập thể, nhưng cô Nguyệt không tổ chức bất cứ một cuộc họp nào”, một giáo viên cho biết.
Sai phạm thứ ba là việc vi phạm Luật lao động. Cụ thể, cô giáo Bùi Phương Thủy, giáo viên dạy Toán, đang ốm phải điều trị dài ngày và nghỉ dạy. Theo luật Lao động, trong thời gian nghỉ ốm, cô Thủy sẽ được hưởng 70% lương, 30% chuyển sang bảo hiểm. Tuy nhiên, từ tháng 11/2016 đến nay, cô Thủy không được nhận lương. Ngày 14/2/2017 vừa qua, bà Nguyệt đã gọi cô Thủy đến trường, bắt viết đơn xin nghỉ không lương.
Thu chi tài chính thiếu minh bạch
Các giáo viên cũng tố cáo việc thiếu minh bạch trong thu chi tài chính của bà Nguyệt.
Cụ thể, khi đoàn thanh tra đến làm việc, bà Nguyệt báo cáo trường có 25 học sinh bán trú và mới thử nghiệm hình thức bán trú trong năm học này. Tuy nhiên, thực tế là trường có 40 học sinh bán trú và hoạt động bán trú đã duy trì 5 năm nay.
Về việc trông xe ô tô trong trường, bà Nguyệt giải trình với thanh tra của Quận ủy Nam Từ Liêm là chỉ có 5 chiếc ô tô được gửi và tiền trông xe được nộp vào quỹ nhà trường, mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Nhưng thực tế, có gần 30 chiếc ô tô được gửi ở trường. Ngoài 1,5 triệu đồng/tháng nộp quỹ trường, còn lại đều “cho hết bảo vệ”, là người nhà của bà Nguyệt.
Chưa hết, các giáo viên cũng tố cáo bà Nguyệt ký hợp đồng cho Trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền (không có giấy phép hoạt động) thuê mặt bằng và cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức dạy, học thêm với chi phí 4,5 triệu đồng/tháng.
"Khi Trung tâm được thành lập, bà Nguyệt đã lồng ghép luôn lịch học thêm 2 buổi/tuần (gồm các môn Văn, Toán, Anh) vào thời khóa biểu cứng của học sinh; nên gần như 100% học sinh của trường đều tham gia học. Còn với giáo viên, ai không tham gia sẽ bị ngấm ngầm đánh giá vào điểm thi đua. Như vậy, bề ngoài trung tâm là độc lập nhưng bên trong lại là “sân sau" của hiệu trưởng", một giáo viên bức xúc.
Một giáo viên dẫn chứng: Nhà trường yêu cầu giáo viên đứng lớp thu mỗi học sinh 480.000 đồng/tháng tiền học, mà không có bất cứ biên lai, giấy tờ gì. Sau khi trừ hết tất cả các khoản, khoản thu về là 170.000 đồng/tháng/ học sinh. Với khoảng 400 học sinh theo học, theo tố cáo, bà Nguyệt sẽ bỏ túi khoảng 68 triệu đồng/tháng từ trung tâm này.
Trước những sai phạm này, theo lời nhóm giáo viên, họ đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng và mới đây nhất, Tổ công tác thuộc UBND quận Nam Từ Liêm đã về trường làm việc và có kết luận sơ bộ là bà Nguyệt có nhiều sai phạm.
Ngay khi tiếp nhận nguồn thông tin, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm đã vào cuộc để xử lý vụ việc trên tinh thần không bao che, dung túng.
Nội dung tố cáo là đúng
Sáng 14/3, phóng viên báo Tin tức đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Nguyệt để làm rõ những vấn đề 5 giáo viên phản ánh, thì được bà Nguyệt cho biết: "Ngày mai (ngày 15/3), Hội đồng kỷ luật quận Nam Từ Liêm sẽ ra quyết định kỷ luật, do đó thời điểm này tôi không trả lời câu hỏi nào từ báo chí. Hôm nay (14/3), tôi cũng đang bận họp".
Thông báo của Quận ủy Quận Nam Từ Liêm. |
Trước đó, bà Nguyệt đã có gửi bản giải trình tới lãnh đạo Quận ủy, UBND và Phòng GD- ĐT quận Nam Từ Liêm. Trong nội dung giải trình, bà Nguyệt giải thích việc đưa người nhà vào công tác tại trường: "Đồng chí Minh là biên chế nhân viên thư viện, có trình độ Thạc sĩ và B2 môn Tiếng Anh. Thực tế giảng dạy, đồng chí Minh đã khẳng định được chuyên môn của mình được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Với vai trò là quản lý, tôi rất cần một giáo viên như vậy. Thay vì hợp đồng bên ngoài để đáp ứng yêu cầu đổi mới của bộ môn Tiếng Anh, tôi chủ động xếp lớp cho đồng chí Minh bên cạnh công việc thư viện. Việc làm đó đã khai thác được năng lực chuyên môn của nhân viên trong nhà trường, phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn chung của tập thể".
Bà Nguyệt cũng khẳng định chuyện các giáo viên tố nhiều người nhà của mình trong trường là không đúng: "Đồng chí Nguyễn Thị Minh là em gái tôi về công tác tại trường từ năm 1998, thời kỳ mà đồng chí Nguyễn Hữu Doan còn làm hiệu trưởng. Đồng chí Thái Minh Sơn- em rể tôi, làm bảo vệ từ năm 2014. Ngoài 2 đồng chí trên, trong trường không có đồng chí nào là người nhà tôi”.
Theo nguồn tin của PV, đến nay một số khoản thu trong trường đã được bà Nguyệt trả lại cho phụ huynh. Trường cũng đã cho dừng toàn bộ hoạt động đối với Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Nguyễn Hiền và hoàn thiện lại Thời khóa biểu học kỳ II theo đúng quy định.
Ngày 15/3, dự kiến Hội đồng kỷ luật Quận ủy Nam Từ Liêm sẽ họp và thông báo kết quả về những sai phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt.
PV Báo Tin tức sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.