Một chặng đường nỗ lực
Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có Sở Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT).
Khi mới thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn, chẳng những không đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, mà còn kìm hãm sự phát triển của xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động, bị thất học; khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt”, chỉ có 3 trường mầm non, với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn có 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề, chủ yếu là các nghề thủ công.
Trải qua 69 năm phát triển, đến nay, ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Tổng kết năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Thủ đô đã hoàn thành kế hoạch năm học và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giáo dục.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2022 - 2023, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục...
Tính đến tháng 6/2023, toàn thành phố có 72,4% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông, các trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học, thực hiện tốt theo hướng dẫn, trong đó có việc tổ chức cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học.
Duy trì chất lượng mũi nhọn
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, năm học 2022 - 2023, Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 8 học sinh đạt giải quốc tế; 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông.
Đặc biệt, Hà Nội đứng đầu cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; 4/4 dự án thi khoa học kỹ thuật quốc gia đều đoạt giải. Đây là thành quả cho những nỗ lực của các nhà trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường rèn cho học sinh kỹ năng ứng dụng kiến thức vào thực tế và chủ động nghiên cứu khoa học.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có việc quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, kém, năm 2023, Hà Nội đã bứt phá về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông với 99,56% học sinh tốt nghiệp, xếp thứ 16 của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Hà Nội cũng là một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục Thủ đô hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Sở GD&ĐT được Cụm thi đua số 7 Thành phố thống nhất đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố trình Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu Thủ đô năm 2022.
Thủ đô Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh và 139.000 giáo viên. Chất lượng đội ngũ ngày càng tăng với 100% giáo viên các cấp học đều đạt chuẩn theo quy định. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 bảo đảm chất lượng và an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Trần Thế Cương nhận định, sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở khối công lập và ngoài công lập và sự đổi mới, hiệu quả từ các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương khẳng định, năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết tâm nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung nâng cao đời sống giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết đầu tư tập trung cho ba lĩnh vực trụ cột phát triển bền vững Thủ đô là giáo dục, y tế và văn hóa. Tổng mức đầu tư giai đoạn trung hạn là 51.000 tỷ đồng, trong đó, riêng đầu tư cho giáo dục và gần 30.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp có quy mô, chất lượng ngang với các nước trong khu vực.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục dành sự quan tâm tối đa cho giáo dục đào tạo, đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của toàn xã hội.
Có thể nói, những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đạt được trong suốt 69 năm qua đã khẳng định vị trí dẫn đầu của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong sự phát triển của nền giáo dục đào tạo nước nhà. Những thành tích ấy sẽ là tiền đề, tạo đà để ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục có thêm nhiều thành tựu trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển.