Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng học sinh đi học bằng xe đạp điện, xe máy “làm xiếc” trên đường. Hình ảnh các em học sinh điều khiển phương tiện trên đường, đùa giỡn, trêu chọc nhau bất chấp tiếng còi xin đường của các phương tiện khác đã xảy ra khiến nhiều người bức xúc.
Tuy chưa có con số tổng hợp chính xác số lượng xe đạp điện và xe máy điện được lưu hành trên các tuyến đường nhưng quan sát thực tế trên các đường phố vào giờ học sinh đến trường hoặc tan trường có thể thấy rất nhiều xe đạp điện, xe máy do học sinh điều khiển. Mỗi trường Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông ở các đô thị lớn của Vĩnh Phúc có tới cả trăm xe đạp và xe điện, thậm chí vài trăm xe đối với trường đông học sinh.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc trong dịp khai giảng năm học 2018 - 2019: Vĩnh Phúc có 535 cơ sở giáo dục với hơn 300.000 học sinh; trong đó, bậc Trung học cơ sở có 140 trường với gần 70.000 học sinh; bậc Trung học phổ thông có 34 trường và 14 đơn vị dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông với hơn hơn 30.000 học sinh. Điều này phần nào cho thấy lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường là rất lớn dù các em học sinh tự điều khiển phương tiện hoặc có người thân đưa, đón.
Lượng phương tiện tham gia giao thông tăng, nếu người điều khiển không cẩn thận, không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ rất dễ xảy ra các vụ tai nạn. Ngày 22/8/2018, tại khu vực vòng xuyến thuộc địa bàn phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến hai nữ sinh lớp 10 trú tại phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên đi trên một xe đạp điện tử vong.
Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có thông báo về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, thực hiện Tháng cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông với chủ đề “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành tuần tra và phát hiện 169 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các vi phạm chủ yếu là: Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, sử dụng ô trong khi điều khiển phương tiện…Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 19 học sinh và yêu cầu 150 học sinh vi phạm làm bản kiểm điểm. Các trường hợp học sinh chưa có ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ tập trung ở các trường như: Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc, Trung học phổ thông Trần Phú, Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học...
Để lập lại trật tự an toàn giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh; chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt đến toàn thể học sinh ý thức tự giác chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, các trường học thông báo danh sách những trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại các buổi chào cờ đầu tuần và có hình thức giáo dục, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cũng phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo mở lớp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đội ngũ giáo viên trong các trường học trên địa bàn tỉnh; phối hợp với phụ huynh nhắc nhở, quản lý, giáo dục các học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ.