Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, để hỗ trợ các trường học Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đàm phán Hiệp định Thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hòa Bình từ khi Hiệp định khung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2016.
"Sau 5 năm, Hiệp định đã được đàm phán và đi đến hoàn tất đàm phán để chính thức ký kết vào ngày hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là sự kiện đặc biệt, góp một phần vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Nội dung của Hiệp định thực thi gồm cấp ký Hiệp định thực thi, nguyên tắc hợp tác, tiêu chí và số lượng tình nguyện viên trong giai đoạn 2 năm đầu thí điểm, loại hình cơ sở giáo dục tiếp nhận tình nguyện viên, nội dung hoạt động của tình nguyện viên.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng năm, Hoa Kỳ sẽ cử 20 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh sang Việt Nam. Trải qua ba tháng đào tạo văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng toàn diện, tình nguyện viên của chương trình sẽ giảng dạy tiếng Anh tại các trường trung học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc tuyển chọn tình nguyện viên hết 6 tháng và tập huấn 6 tháng, nên 2020 các tình nguyện viên sẽ sang Việt Nam. Nếu diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, hai bên sẽ cùng hợp tác để tìm thời gian phù hợp.
Tại Washington, D.C. vào 13 giờ cùng ngày (giờ Hoa Kỳ) cũng diễn ra Lễ ký Ý định thư cam kết việc ký Hiệp định thực thi ngay sau khi nhận được bản Hiệp định do phía Chính phủ Việt Nam chuyển qua Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Bản Ý định thư này được Chính phủ Hoa Kỳ ủy quyền cho bà Jody Olsen, Giám đốc Chương trình Hòa Bình ký dưới sự chứng kiến của Quốc vụ Khanh Hoa Kỳ và ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Bản Ý định thư này sẽ được Giám đốc Chương trình Hòa Bình trao cho ông Hà Kim Ngọc chuyển về Việt Nam.