Một gợi ý về hướng giáo dục kỹ năng làm việc nhóm

Trái với hình ảnh thường gặp về những ánh mặt rụt rè, ngơ ngác của học trò ở các ngôi trường tiểu học dạy theo phương pháp truyền thống là phong thái tự tin và sẵn sàng hòa nhập của các bé thơ tại hơn 2.500 ngôi trường dạy theo mô hình trường học mới (gọi tắt là VNEN) trong cả nước năm học mới 2014 – 2015.

Trường tiểu học Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, một trong 48 trường tự nguyện nhân rộng mô hình VNEN của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Như Hoa


Rèn tính chủ động, khả năng làm việc nhóm cho học sinh

Trường tiểu học Đông Hồ, thị xã Hà Tiên là một trong 45 trường đầu tiên của tỉnh Kiên Giang đã triển khai mô hình giáo dục VNEN được 3 năm đối với học sinh từ lớp 2 trở lên.

Đến thăm lứa học sinh khối lớp 4 của trường, chúng tôi cảm nhận rõ rệt ở các em một sự tự tin và phong thái năng động, chuyên nghiệp trong các hoạt động tập thể và làm việc theo nhóm. Mọi hoạt động trong lớp học hoàn toàn do các em tự chủ động điều hành và thực hiện dưới sự dẫn dắt của Ban Hội đồng tự quản lớp do chính các em bầu lên.

Em Lê Doãn Hà Trung, Chủ tịch Hội đồng lớp 4D vui vẻ kể về buổi họp lớp bầu Hội đồng tự quản đầu năm học: “Hôm bầu Hội đồng tự quản em được 11 phiếu, ít hơn các bạn Linh và Phạm Yến 12 và 13 phiếu nhưng do bạn Linh giọng nói nhỏ, Uyên tính còn hay e ngại nên hai bạn giới thiệu em đảm đương chức Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp.”

Tại các lớp học theo mô hình VNEN, không có lớp trưởng, lớp phó do cô giáo chủ nhiệm chỉ định mà có một Ban Hội đồng tự quản lớp do chính các học sinh trong lớp bỏ phiếu bầu lên. Cách làm mới mẻ và chủ ý xây dựng môi trường giáo dục dân chủ ngay từ nhỏ này đã không chỉ phù hợp với học sinh vùng thuận lợi mà các học sinh dân tộc Khmer cũng rất thích thú.

Lớp học theo mô hình VNEN cũng không bố trí thành từng dãy bàn mà bố trí thành từng nhóm học tập, các em luân phiên làm nhóm trưởng. Sau mỗi bài học, các bạn trong nhóm tự học, xem và tự đánh giá về bài làm của mình, nhận xét về bài của các bạn trong nhóm. Không còn cảnh cô giảng trò ghi, mà thay vào đó là cô giáo hỗ trợ, hướng dẫn các nhóm tự học.

Vì thế, khả năng làm việc nhóm và tự học, học trong sách, học bạn, học thầy đều tăng lên. Học sinh cũng phát triển kỹ năng tự lập, tự quản; tự tin hơn trong giao tiếp, hứng thú hơn trong học tập. Dạy học theo mô hình VNEN giúp các em phát huy tốt các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau…

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, trường tiểu học Trà An, Cần Thơ cho biết: Mô hình này giúp các cháu tự khám phá, tìm tòi kiến thức mới thông qua sự giúp đỡ hướng dẫn của giáo viên khi các cháu gặp khó khăn, không phải giống như trước kia là bài học định sẵn như thế từ trước và thường là các cháu học thuộc lòng, ghi nhớ. Mô hình này có một ưu điểm là cô và trò dùng chung một bộ sách, giáo viên nhìn vào đó để hướng dẫn học sinh học bài. Phụ huynh cũng có thể nhìn vào SGK để biết toàn bộ nội dung học tập cần thiết của con em minh.

Cô Trịnh Quốc Hương, trường tiểu học Âu Cơ, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ: Với mô hình này, các em mạnh dạn phát biểu hơn. Mỗi bạn thường xuyên đặt câu hỏi cho các bạn trong nhóm. Đây là điều mà chương trình dạy học hiện nay chưa cho phép làm vậy. Chính vì thế, với mô hình VNEN các học sinh có kỹ năng trao đổi, thảo luận, sinh hoạt nhóm tốt hơn hẳn.

Chị Ngô Hồng Phước, phụ huynh trường tiểu học Âu Cơ, Thành phố Rạch Giá bộc bạch: “Tôi có 2 bé học tại trường, cháu thứ 2 theo mô hình VNEN nên tôi cảm nhận rất rõ rệt sự khác biệt giữa hai chương trình này. Cháu nhỏ về tư chất không bằng chị nhưng cháu lại được học mô hình trường học mới VNEN mới áp dụng nên cháu nhanh nhẹn, dễ bắt chuyện, làm quen với mọi người, lại ham hỏi nên rất tự tin và mau tiến bộ.”

Cần sự tiếp sức để nhân rộng mô hình

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Đến nay, qua 3 năm triển khai thí điểm, mô hình trường học mới VNEN đang được nhiều địa phương hăng hái đón nhận. Từ 1.447 trường tiểu học được dự án Mô hình trường học mới hỗ trợ triển khai năm 2012-2013, đến nay cả nước đã có thêm hơn 1.100 trường tiểu học khác tự nguyện tham gia bằng nguồn kinh phí tự thu xếp của địa phương.

Tại tỉnh Kiên Giang, Sở GDDT đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo các phòng giáo dục sử dụng nguồn ngân sách địa phương và vận động cộng đồng để triển khai mô hình mới này tại tất cả các trường dạy học 2 buổi/ngày. Nhờ vậy từ 45 trường ban đầu, đến nay Kiên Giang có tới 165 trường áp dụng mô hình VNEN.

Phó Giám đốc Sở GD ĐT Kiên Giang Cao Thanh Hùng cho biết đơn vị đang tham mưu với UBND tỉnh để nhân rộng mô hình VNEN, chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân tỉnh đề án Hỗ trợ CSVC, trang thiết bị cho phòng học, trường học đáp ứng cách dạy học theo VNEN.

Những ưu điểm về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng sống của mô hình trường học mới VNEN đã được thực tế thừa nhận. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này, khó khăn lớn nhất của các địa phương là có đủ cơ sở vật chất: phòng học đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.

Phó giám đốc Sở GD ĐT Cần Thơ Võ Văn Lợi cũng khẳng định: Thời gian tới quan điểm nhất quán trong Ban lãnh đạo Sở là nhân rộng mô hình VNEN ở những nơi có đủ chỗ học 2 buổi/ngày, các giáo viên đáp ứng được và có sự đồng thuận cao của phụ huynh. Tuy nhiên đảm bảo đủ CSVC là điều kiện rất quan trọng để thực hiện vì nếu dạy VNEN học sinh phải học 2 buổi/ngày, có đủ SGK, phiếu bài tập,…

Tháo gỡ khó khăn này, Kiên Giang đã đề xuất trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt đề án về đảm bảo CSVC trường học dựa trên nguồn lực từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngân sách thường xuyên.

Thực tế tại Kiên Giang và Cần Thơ cho thấy: Mô hình Trường học mới tại Việt Nam là một bước đột phá trong việc đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục, hy vọng mở ra cho nền giáo dục Việt Nam một lối đi đúng hướng để cùng hòa nhập với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đáp ứng với sự phát triển chung của xã hội.

Mô hình là một nỗ lực trong việc hình thành thế hệ trẻ Việt Nam là những công dân toàn cầu. Tuy nhiên để nhân rộng và phủ kín mô hình này thay thế cách giáo dục truyền thống cần sự vào cuộc và quyết tâm không chỉ ngành giáo dục mà cả chính quyền, hội đồng nhân dân các địa phương.


Trường Giang
Ý kiến về bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học
Ý kiến về bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học

Chủ trương mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra về việc bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học là rất đúng đắn. Các em học sinh không còn so đo hơn thiệt về điểm như trước kia nữa. Tuy nhiên, gánh nặng đang ở trên vai mỗi giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN